Thứ Năm, 4 tháng 4, 2013

Xăm Hường-Trò chơi Tết tao nhã của người Huế

 
 
XĂM HƯỜNG
MỘT TRÒ CHƠI TAO NHÃ VÀ VUI VẺ TRONG NGÀY TẾT
CỦA NGƯỜI DÂN XỨ HUẾ VÀ CÁC XỨ CẬN HUẾ

    
     Sáng mồng 7 tháng giêng năm Đinh Hợi, tôi đang chiên mấy miếng bánh tét thì nghe vợ tôi gọi với xuống từ lầu 1:” anh Đoàn ơi ! Xăm hường trong chương trình VTV1 của truyền hình VN”. Tôi vội bật TV, vừa kịp lúc phóng viên đang phỏng vấn 1 người dân sống ở phố cổ Hội An, người này bảo rằng trò chơi Xăm Hường là một trò chơi của người Tàu, được du nhập vào VN do người Minh Hương (Việt gốc Tàu) từ rất lâu. Cả phóng viên lẫn người được phỏng vấn đều sai, với một phát biểu trên phương tiện truyền thông dễ gây ra ngộ nhận. Phát biểu đó mang tính võ đoán và thiếu căn cứ.
 
Theo tôi, trò chơi Xăm Hường được  bày ra để làm trò tiêu khiển trong nội cung Triều Nguyễn. Sau đó, các quan lại và những người trong Nguyễn Phước Tộc, mang trò chơi này ra ngoài cung và trò chơi trở nên phổ biến từ thành thị đến nông thôn Huế và Thừa Thiên.
 
Người dân các xứ Quảng (Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi) cũng có những gia đình chơi trò Xăm Hường nhưng rất ít. Những gia đình này có thể là người gốc Huế hoặc có dây mơ rễ má gì với người Huế. Hoặc giả, trong dòng tộc có người làm quan trong triều đình Huế, hoặc giả họ là bà con dâu rễ với người Huế.
 
Vào trong Nam hay ngoài Bắc, trò chơi này hoàn toàn lạ lẫm. Như vậy, trò chơi Xăm Hường ví như vết dầu loang, trò chơi từ cung đình Huế lan ra khắp Huế và Thừa Thiên rồi tỏa ra các vùng xứ Quảng, rồi thôi. Những vùng xa như Bình Định, Phú Yên trở vào đến Cà Mau, từ Quảng Bình trở ra Bắc hầu như chẳng ai biết trò chơi này.
 
Trở lại bài phỏng vấn về Xăm Hường trên VTV1, bảo rằng Xăm Hường có nguồn gốc từ Trung Quốc là không có căn cứ vì nếu vậy trò chơi phải để lại một dấu vết nào đó trong các tác phẩm văn học. Chẳng có dấu vết nào.
 
Nếu người Minh Hương đem trò chơi này du nhập vào Việt Nam thì không cứ gì có người Minh Hương ở Hội An chơi trò này mà người Minh Hương ở Chợ Lớn là một cộng đồng người Hoa rất rộng lớn lại không biết trò chơi này? Dòng họ Mạc Thiên Tích lập nghiệp ở Hà Tiên ắc cũng phải đem trò chơi thú vị này du nhập chứ sao lại không nhỉ?
 
Để chứng minh thêm trò chơi Xăm Hường phát sinh từ nội cung triều Nguyễn, tôi dẫn ra đây 2 chứng cứ:
 
1. Nếu phát sinh từ các triều vua trước ở Thăng Long, thì với mức thẩm thấu của trò chơi này, ít nhất là người ở Đông Đô Hà Nội phải có người biết.
 
2. Tên gọi trò chơi là tên gọi thuần Việt “XĂM HƯỜNG”. Tên gọi này chỉ ra việc từ chữ Hồng nói trại ra thành chữ Hường. Đây là lối nói tránh những từ húy kỵ rất phổ biến ở Huế như chữ cửa Đông Hoa nói trại thành cửa Đông Ba vì chữ Hoa là chữ húy kỵ đối với vua. Chắc chắn là những người ở Hội An không thể nói tên gọi của trò chơi này theo một cách gọi của người Tàu (ví dụ như Đoạt Khôi Nguyên Đồng Khánh chi cục chẳng hạn ) mà chỉ có thể gọi một cách thuần Việt và Huế đặc là Xăm Hường.
 
3. Trò chơi Xăm Hường chắc là được bày ra sau đời vua Minh Mạng. Để thiết lập một nền quân chủ kỷ cương, ông vua văn võ song toàn này lập ra những bài thiệu 4 câu 5 chữ để phân biệt dòng chính và dòng thứ trong Nguyễn Phước Tộc. Mà dòng đích (chính hệ) là:
 
Miên Hồng Ưng Bửu Vĩnh
Bảo Quý Định Long Trường
Hiền Năng Kham Kế Thuật
Thế Thoại Quốc Gia Xương
 
Những dòng thứ (bàng hệ) có những bài thiệu khác.
Như vậy gọi là Hường để tránh chữ Hồng là chữ phạm húy.
                                 
*   *   *

Nhân đây tôi xin trình bày thêm về trò chơi Xăm Hường, một trò chơi phù hợp với niềm hân hoan của con người trong 3 ngày tết, phù hợp với việc tạo một không khí ấm cúng, đầy tình thương yêu gắn bó các thành viên trong gia đình,bằng hữu từ già tới trẻ ai chơi cũng được, cũng vui, thậm chí người không biết luật vẫn ngồi vào chơi được như thường.
 
Người ta thường chơi Xăm Hường trong mấy ngày tết, có kéo dài lắm thì cũng đến hết mùng thì thôi. Đây là một trò chơi tao nhã vì không ai dùng Xăm Hường để sát phạt. Hầu như không có tiếng cãi cọ, cay cú trong lúc chơi Xăm Hường, chỉ có tiếng cười vui rộn rã hòa với tiếng leng keng vui tai của nạm hột súc sắc xoay tròn trong tô kiểu cùng tiếng lách cách của những thẻ hường va chạm nhau.
 
Số lượng người tham dự trò chơi này có thể lên đến 12 người hay nhiều hơn nữa nếu chúng ta biết cách chơi. Do đó, Xăm Hường rất phù hợp với không khí gia đình chung vui trong ba ngày tết.
 
Chẳng ai chơi Xăm Hường mà tính chuyện gian lận vì không ai có thể điều khiển được một lúc 6 hột súc sắc. Tính minh bạch của trò chơi rất cao, 6 hột bày ra rõ ràng trước bao nhiêu cặp mắt nên người không biết tí gì về Xăm Hường cũng có thể ngồi vào chơi thoải mái, chỉ cần thả hột vào tô thì có người đọc và lượm thẻ giúp. Chỉ qua vài ba ván là biết được luật chơi liền.
 
Nhiều người tin rằng chơi Xăm Hường như một cách bói quẻ tốt xấu đầu năm. Trong cuộc chơi, ai lấy được Trạng anh (Trạng Nguyên), Trạng em (Bảng Nhãn, Thám Hoa) nhiều lần thì chắc cả năm danh tài đắc lợi, công việc hanh thông, thăng tiến. Trước ăn sau thua thì đầu năm tốt, nữa năm về sau xấu và nếu trước thua sau ăn thì ngược lại tiền hung hậu cát.
 
Nếu bị cướp trạng thì coi chừng những điều xui rủi, công việc gãy đỗ giữa chừng.
 
Hên nhất là ngũ hường đoạt tam khôi, cướp một lúc 3 ông trạng chắc là trong năm có cơ hội hoạnh phát tài lộc. Khó nhất là lục phú, tức là 6 hột súc sắc cùng hiện ra một mặt giống nhau. Vì là cực kỳ khó nên người ta tin rằng điều quá tốt hiển hiện thì có sự việc quá xấu tiềm ẩn.


Bàn về trò chơi Xăm Hường:

Có lẽ nhiều người chơi Xăm Hường thắc mắc vì sao người bày ra trò chơi này lại lấy mặt tứ (bốn) làm chuẩn của trò chơi, trong khi mặt nhất (một) cũng đẹp và cũng có màu đỏ.
 
Theo tôi, trò chơi mang tinh thần khuyến học. Vào thời quân chủ, người ta học hành theo lối từ chương với mục đích kiếm một chỗ trong chốn quan trường. Muốn ra làm quan thì người học phải qua các kỳ thi Hương để đổ Tú Tài, kỳ thi Hội để đổ Cử Nhân và kỳ thi Đình để đậu đạt Tiến Sĩ.
 
Trong trò chơi Xăm Hường cũng có các cấp đỗ đạt như vậy mà phần thưởng cho người chơi là những thẻ xăm hường, trong đó cao nhất là Trạng Nguyên.
 
Vì là chốn quan trường nên cung quan là chủ đạo của trò chơi.
 
Trong quẻ Dịch có 6 hào từ sơ hào đến hào thượng. Sáu mặt của hột súc sắc (nhất - nhì - tam - tứ - ngũ - lục) tương ứng với 6 hào. Trong 6 hào của quẻ dịch thì hào 6 là ngôi trời, hào 5 là ngôi vua (cửu ngũ) và hào 4 là ngôi quan nên người bày ra trò chơi này lấy mặt tứ làm chủ đạo cho trò chơi. Mặt tứ có màu đỏ vừa vuông vắn, vừa đẹp lại vừa có ý nghĩa được gọi là Hường.
 
Người bày ra trò chơi dựa trên tính toán xác suất và tần suất xuất hiện của các mặt súc sắc để định ra luật lệ trò chơi. Càng khó xuất hiện (tức là xác suất thấp, tần suất xuất hiện ít) thì mức thưởng càng cao.
 
Từ đó hình thành ra các loại thẻ xăm hường. Bộ thẻ Xăm Hường được lập theo thứ tự quẻ Dịch: Thái Cực (1), Lưỡng Nghi (2), Tứ Tượng (4), Bát Quái (8) từ đó tăng dần lên theo cấp số nhân mà công bội là 2. Nếu tính đơn vị là 1 thẻ nhất hường (giá trị là 1) thì tổng giá trị của cả bộ Xăm Hường là 192 đơn vị, chia ra làm 6 loại thẻ, mỗi loại thẻ trị giá 32 đơn vị gọi là 1 Trạng.

Tên gọi và giá trị của các loại thẻ Xăm Hường:
 
TT
Tên gọi
Giá trị
Số lượng (thẻ)
1
Thẻ Trạng Nguyên (dân gian gọi là Trạng anh)
32
1
2
Thẻ Bảng Nhãn, Thám Hoa (Trạng em)
16
2
3
Thẻ Tam Hường
8
4
4
Thẻ Tứ Tự (hay Tứ Tấn)
4
8
5
Thẻ Nhị Hường
2
16
6
Thẻ Nhất Hường
1
32

Tổng mỗi loại thẻ có giá trị 32 đơn vị gọi là 1 trạng x 6 = 192 đơn vị, người ta gọi là 6 Trạng.
 
Thẻ Tam Hường còn gọi là thẻ Tam Hường Hội. Còn nhất hường, nhì hường tương đương với cấp đỗ đạt là Tú Tài, Cử Nhân thì tôi chi nghe nói mà thôi.
 
Như vậy chỉ với 1 bộ 6 hột súc sắc và một bộ thẻ như trên với 1 cái tô kiểu tiếng kêu thanh tao là ta đã sẵn sàng cho một cuộc chơi vui thú.

Những qui ước trong trò chơi Xăm Hường:
Người  chơi được nhận thẻ xăm theo những gì xuất hiện trong 1 lần đổ hột vào tô.

1.   Nhất Hường (1 mặt tứ) : lấy 1 thẻ một.

2.   Nhị Hường (2 mặt tứ) : lấy 1 thẻ 2 hoặc 2 thẻ 1 khi không còn thẻ 2.

3.   Tứ Tự (hay còn gọi là Tứ Tấn): khi có 4 mặt giống nhau trừ mặt Hường (mặt bốn) thì lấy 1 thẻ 4. Nếu ngoài 4 mặt giống nhau đó có thêm 1 hường hay 2 hường thì lấy thêm 1 thẻ 1 hoặc 1 thẻ 2.

4.   Tam Hường (3 mặt tứ): lấy thẻ 8. Nếu Tam Hường đi với 3 hột súc sắc còn lại cùng 1 mặt (ví dụ 3 tứ, 3 tam) thì gọi là Phân Song Tam Hường, lấy được 1 Trạng em và 1 thẻ Tam Hường (trị giá 24 thẻ)

5.   Trạng em: có nhiều trường hợp xuất hiện được lấy Trạng Em (tức là Bảng Nhãn, Thám Hoa)
     a. Suốt: 6 hột theo thứ tự nhất - nhị - tam - tứ - ngũ - lục.
     b. Phân Song: là chia hai, 3 hột mặt này, 3 hột mặt kia (ví dụ 3 tam, 3 nhị)
     c. Thượng Mã, Hạ Mã: theo chữ là “Thượng mã đề kim, hạ mã đề ngân” trong tích Tào Tháo đãi ngộ Quan Công trong truyện Tam Quốc Chí.
          - Thượng mã là 3 đôi: 2 nhất, 2 nhị, 2 tam
          - Hạ mã là 3 đôi: 2 tứ, 2 ngũ, 2 lục
     d. Tứ Tự Cáp:  Cáp nghĩa là ghép với nhau. Tứ tự là 4 mặt giống nhau, hai hột còn lại mà tổng số bằng với mặt tứ tự thì gọi là Tứ Tự Cáp.
Ví dụ: Tứ tự là 4 mặt ngũ, 2 hột còn lại có thể là 3 và 2 hoặc là 4 và 1 thì đều gọi là tứ tự cáp.
Có 2 trường hợp đặc biệt của tứ tự cáp:
           - 4 mặt nhất và 2 mặt ngũ, lục thành ra 11 là tứ tự cáp của mặt nhất.
           - 4 mặt nhị và 2 mặt nhất hoặc là 2 mặt lục cũng là cáp.
Bốn trường hợp trên, người chơi được quyền lấy thẻ trạng Em. Khi hết thẻ trạng Em giữa làng thì lấy tương đương giá trị 16 thẻ.
 
6. Trạng Anh (Tức là Trạng Nguyên) có 2 trường hợp:

     a. Trạng Tứ hường (còn gọi là trạng Đỏ) bao gồm 4 mặt hường. 2 hột súc sắc còn lại cộng với nhau thành ra tuổi của Trạng.
Ví dụ: 4 hường và 2 mặt còn lại là 3 và 5 thì gọi là trạng 8 tuổi.
Khi một người đã lấy được trạng 8 tuổi, mà có người khác đổ hột súc sắc ra trạng Anh 9 tuổi trở lên thì người đó được lấy trạng anh từ tay người kia gọi là cướp trạng.
Ngoài tuổi của trạng xác định như trên còn có 2 trường hợp đặc biệt là Trạng cáp xiên và Trạng cáp chính.
Trạng cáp xiên là 4 tứ, 1 tam, 1 nhất.;
Trạng cáp chính là 4 tứ, 2 nhị.
Trạng cáp xiên cướp trạng có tuổi. Trạng cáp chính cướp được cả trạng cáp xiên.
 
     b. Trạng ngũ tử (Trạng anh Đen): bao gồm 5 mặt giống nhau trừ hường. Hột xúc sắc còn lại là số tuổi.
Ví dụ: 5 mặt ngũ một mặt nhị thì gọi là Trạng ngũ tử 2 tuổi. Nếu người khác cũng ra ngũ tử mà tuổi lớn hơn thì cướp trạng.
Trạng ngũ tử có một trường hợp đặc biệt là ngũ tử đại ấn tức là 5 hột cùng một mặt, hột còn lại là mặt tứ. Trạng ngũ tử đại ấn cướp trạng ngũ tử có tuổi.
Có một quy định đặc biệt là loại trạng nào chỉ được cướp trạng loại đó. Trạng đỏ không được cướp trạng ngũ tử và ngược lại.
Trường hợp đổ ra trạng mà không cướp được trạng thì người ấy sẽ lấy 32 thẻ giữa làng.
Nếu người có trạng mà đổ ra trạng nhiều tuổi hơn thì chỉ được tăng tuổi trạng chớ không được phép lấy thêm thẻ giữa làng.
 
7. Ngũ hường đoạt tam khôi: Tức là 5 mặt hường thì được lấy cả 3 trạng (1 trạng anh và 2 trạng em) dù trạng đã nằm trong tay người khác. Hột súc sắc còn lại là số tuổi của ngũ hường.

8. Lục phú: Có 2 trường hợp:

     a. Lục phú đen: 6 mặt giống nhau trừ hường.
Khi có lục phú thì không kể ai có bao nhiêu thẻ, tất cả người chơi đều đồng loạt chung cho người lục phú giá trị theo quy định (nếu 6 hoặc 7 người chơi, mỗi người phải chung 1 trạng).
 
     b. Lục phú hường: 6 mặt tứ
Tất cả đều chung cho người có lục hường trị giá gấp đôi quy định (nếu chơi 6 hoặc 7 người thi 1 người phải chung 2 trạng).
 
Trong trường hợp, người chơi đổ hột văng ra ngoài thì xem như bất hợp lệ và phải bị phạt một thẻ hường thêm vào trạng.
Trường hợp người có trạng đổ hột những lần đầu không có hường thì mỗi lần bị phạt 1 thẻ thêm vào trạng.


Số lượng người chơi và cách tính số lượng thẻ của mỗi người chơi:

1. Từ 2 đến 7 người:
- Hai người: mỗi người phải đủ 32 x 3 = 96 thẻ.
- Ba người: mỗi người phải đủ 32 x 2 = 64 thẻ.
- Bốn người: mỗi người phải đủ 32 x 1,5 = 48 thẻ.
- Năm người: Có 2 cách:
      + Nếu chia đều thì bỏ bớt 2 thẻ, còn 190 thẻ, mỗi người phải đủ 38 thẻ.
      + Bán trạng: người có trạng anh được quyền bán trạng và những thẻ khác trên tay mình, không giữ lại thẻ nào. Như vậy, mỗi người khác phải đủ 48 thẻ.
- Sáu người: mỗi người phải đủ 32 thẻ.
- Bảy người: người nào có trạng anh sẽ bán hết thẻ trên tay mình cho người nào còn thiểu (mỗi người phải đủ 32 thẻ).
 
2. Bắt đầu 8 người chơi trở lên thì cách tính có phần phức tạp hơn. Số người chơi có thể nhiều nhưng nên chơi tối đa 12 người.
Từ 8 đến 12 người chơi, chúng ta áp dụng lối bán trạng 2 lần.
Nhiều người nghĩ rằng, bán trạng 2 lần là người có trạng được bán gấp đôi giá trị của thẻ trạng (32 x 2 = 64)
Thật sự, nếu chơi theo cách đó thì chỉ có 1 người vui vì ăn nhiều mà những người khác sẽ buồn vì ai cũng thua cả.
Theo tôi đã áp dụng và cách bán trạng 2 lần này hay hơn.
Bán trạng hai lần có nghĩa là cả trạng anh và 2 trạng em đều được bán.
Người có trạng em được xem như đủ thẻ, số còn lại mà người có trạng em lấy được thì được quyền bán.
Sau khi người có thẻ trạng em bán xong, thì người có trạng anh sẽ ăn hết phần còn lại
Số lượng thẻ cần có của những người chơi không có trạng giảm dần khi số người chơi tăng lên:

8    người chơi, mỗi người không có trạng chịu 32 thẻ
9                                                                               28 thẻ
10                                                                             25 thẻ
11                                                                             22 thẻ
12                                                                             20 thẻ
 
Số lượng thẻ này tùy theo sự giao ước của những người chơi. Con số trên đây chỉ là con số để tham khảo mà thôi.


Một số cải biến để trò chơi thêm hấp dẫn :
1. Đấu thẻ rời: Khi còn lại chỉ trạng anh, người ta tạo thêm hào hứng bằng cách đấu 1, 2 thẻ hường. Ai nhiều hường hơn sẽ ăn hết. Lối đấu này chỉ căn cứ theo mặt hường.

2. Hạ giá trạng: Khi đã hết thẻ nhỏ mà đổ nhiều vòng không lên trạng, để cho nhanh có thể hạ giá trạng. Thông thường là phân song tam hường, có thể là trạng em trừ suốt (Có nghĩa là phân song, tứ tự cáp, thượng hạ mã)

3. Cướp Trạng Em: Khi có 8 người chơi trở lên, người chơi chấp nhận bán trạng 2 lần thì giá trị của trạng em tăng lên nhiều. Có thể chia ra 3 cấp để cướp trạng em.

Cấp I: Phân song tam hường
Cấp II: Phân song, tứ tự cáp, thượng mã, hạ mã
Cấp III: Suốt

Như vậy phân song tam hường có thể cướp trạng em cấp II và III, cấp II có thể cướp trạng em của Suốt.
Người lấy trạng em trước thì bị cướp trước.

4. Không lấy thẻ: Người chơi có quyền không lấy thẻ giữa làng vì không ai cấm 1 người từ chối quyền lợi mình được hưởng. Như vậy người chơi có cơ hội cướp trạng nhiều hơn.
Bằng cách chơi mới lạ này mà bạn bè Quốc Học 61-64 đã áp dụng trong buổi họp mặt đầu năm Đinh Hợi. Nó tạo nên niềm vui vô kể.
Hầu như trò chơi nào cũng có những biến thái thích hợp để tạo nên hào hứng và vui vẻ nhiều hơn. Do đó chúng ta không nên câu nệ lề thói cũ mà thử áp dụng những cải biến trong trò chơi xăm hường để trò chơi vui hơn, hấp dẫn hơn. 
 
Chế tác thẻ Xăm Hường

Trong nội cung triều Nguyễn và các gia đình quan lại trước đây, thẻ xăm hường có thể làm bằng ngà voi. Sau này, thẻ xăm hường được làm bằng vật liệu khác dễ kiếm hơn. Vật liệu có thể là sừng bò, sừng trâu trắng, xương, tre, gỗ để làm xăm. Có thể in, vẽ hình trạng và ghi chữ Hán, cũng có thể ghi chữ số, miễn sao có đủ thẻ lớn nhỏ để chơi.
 
Bộ thẻ xăm hường của tôi được chế tác từ đũa nhựa melamine của Trung Quốc. Chỉ cần cắt dài ngắn khác nhau ta có thẻ nhất hường, nhị hường, tứ tự. Ghép 2 thẻ tứ tự cho dài hơn 1 tí ta có thẻ tam hường, ghép 3 thẻ dài hơn ta có trạng em, dài hơn chút nữa ta có trạng anh. Dùng keo dán Super Glue để gắn các thẻ đũa lại với nhau. Cách chế tác này dễ dàng, ai cũng làm được vì đơn giản vô cùng mà âm thanh của thẻ va chạm nhau cũng thanh tao “nghe ra tiếng sắt, tiếng vàng chen nhau” vui tai lắm lắm .
 
Xăm hường là một trò chơi mang đậm nét văn hoá đặc sắc. Trò chơi phổ biến rất rộng rãi trong xã hội Huế và các vùng lân cận. Trò chơi vô cùng tao nhã và thân thiết.
 
Cứ mỗi lần Tết đến, được nghe âm thanh các hột súc sắc đỗ dòn trong cái tô kiểu, lòng người tự nhiên thấy rộn rã một không khí vui tươi, đầm ấm của một gia đình người Huế đón xuân.
 
Mỗi gia đình người Việt dù ở Việt Nam hay xa xứ nên kiếm mua hoặc tự làm một bộ xăm hường để gia đình được quây quần vui vẽ trong ba ngày Tết với trò chơi tao nhã: XĂM HƯỜNG


LÊ DUY ĐOÀN
Mồng 8/1/Đinh Hợi.

Thứ Ba, 2 tháng 4, 2013

Sư Phạm- Một con đường



Sư phạm-Một con đường.
Lê Duy Đoàn
          Tôi kể có phần dông dài một chút những chuyện của tôi, mong người đọc không phiền lòng. Từ những chuyện riêng tư của mỗi người mà chúng ta có thể nhìn thấy một không gian chung  có mình dự phần trong đó. Người đọc cứ xem như đây là một chuyện trà dư tửu hậu mà thôi.
Tôi là con trưởng trong gia đình đông con. Tôi được sinh ra và sống thời thơ ấu ở xóm Đông an, làng An ninh Hạ .Xóm Đông an này gọi nôm na là Xóm Guốc vì hầu hết con em trong xóm đều theo nghề này như là nghề truyền thống của xóm.
Năm 1951, ba tôi đưa cả gia đình rời quê về lập nghiệp ở Phường PhúThạnh, thành phố Huế
Về phường Phú thạnh, Ba tôi xin đất dựng nhà trong khu vườn rộng của ông ngoại tôi bên ngoài cửa Hữu.
Ở đây, Ba tôi vẫn theo nghề làm guốc cho đến năm 1960 mới chuyển qua nghề gõ đầu trẻ và làm Hiệu trưởng trường Sơ học Bồ Đề Phú Thạnh. Ba tôi có nhận năm người thanh niên học nghề.  Các anh là thợ học việc nhưng được trả công và ăn chung với gia đình chúng tôi.
Trong bửa ăn, thấy tôi cầm đủa gắp thức ăn không giống ai- hầu hết mọi người sử dụng đủa bằng đầu ngón tay- tôi lại kẹp cả hai chiếc đủa vào giữa ngón trỏ và ngón giữa như người ta cầm bút. Anh Thành chế diễu: “ Coi thằng Đoàn cầm đủa mắc cười chưa kìa!”. Mấy anh thợ nhìn tôi, cười cợt. Ba tôi nghiêm sắc mặt nói với họ:” Mấy đứa bay cười chi? Tụi bay cầm đủa như ri là cầm đủa kiểu thợ. Hắn cầm đủa như rứa là hắn cầm đủa kiểu Thầy”. Lời nói của Ba tôi vậy mà linh nghiệm vì khi trưởng thành, tôi theo nghề làm Thầy thật.
1.     Làm thầy giáo ở trường trung học đệ nhất cấp Hàm Long:
Năm 1966, ba tôi xin thầy Thích Phước Hải là hiệu trưởng trường Bồ Đề Hàm long cho tôi dạy giờ các lớp đệ thất, đệ lục. Các môn tôi dạy là Sử địa, Lý hóa và Vạn vật. Trường Hàm Long  là hai dãy nhà trệt nằm trong khuôn viên chùa Báo Quốc, khu Lịch Đợi, ở chân dốc Nam Giao phía hữu ngạn sông Hương. Đó là cơ sở phòng ốc trước đây của Phật học đường Báo Quốc do An nam Phật học tổ chức để đào tạo Tăng tài Phật giáo từ thập niên 40, do Bác sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám khởi xướng.

        Lương dạy giờ trường tư thục Hàm long hồi đó của các thầy giáo chuyên là 120 đồng một giờ, tôi là sinh viên, đi dạy như là việc làm thêm, lảnh chỉ 80 đồng một giờ. Một tuần tôi dạy 10 giờ, tính ra một tháng tôi lãnh 3200 đồng. So với thời giá lúc đó , đồi với một sinh viên làm thêm thì lương như thế cũng khá.

        Lúc đó đang còn trẻ nhưng tôi đã dạy dỗ học trò rất chững chạc, đường hoàng, đứng đắn và tự tin, dù ở những bàn cuối lớp có nhiều nam sinh cao to và tuổi đời suýt soát tuổi tôi và nhiều nữ sinh duyên dáng tuổi cập kê tuổi ông Thầy.
          2. Thi đậu vào trường Đại học Sư Phạm Huế:
           Tôi đậu Tú tài toàn phần năm 1964.
           Những năm từ 1963 đến 1966, tình hình chính trị miền Nam xáo động nhiều. Những chính phủ miền Nam thay đổi liền liền, hết đảo chính tới chỉnh lý. Trong bối cảnh đó, những cuộc biểu tình ở Huế nối tiếp liên miên. Tôi bị cuốn theo cuồng lưu đó nên chẳng tâm trí đâu để học hành . Năm 1966, những biến động chính trị tạm lắng, tôi nhẫm lại mình mất 2 năm vô ích, nếu không học thì mất hoản dịch vì lý do học vấn phải nhập ngũ, ra lính. Năm đó tôi vẫn theo học  lớp SPCN(Sciences,Physiques,Chimiques et Naturelles). Nói tiếng Tây cho vui chứ nói rõ ra là lớp dự bị Lý Hóa Sinh của Đại học Khoa học Huế. Cuối năm đó, tôi đậu lớp dự bị. Vào niên khóa mới , trường  Đại học Sư phạm Huế thay đổi điều kiện tuyển sinh viên. Những năm trước, trường tồ chức thi tuyển giáo sinh vô năm thứ nhất từ những học sinh ưu tú có bằng Tú tài toàn phần nhưng đến năm 1967 thì tuyển giáo sinh từ những sinh viên đã đậu chứng chỉ dự bị và thời gian học hệ đệ nhị cấp rút lại là 3 niên khóa.
        Tôi cũng nạp đơn dự thi nhưng không mong chi đâu được vì tôi học quá ư tài tử mà thi concours thế này tôi toàn chọi với cao thủ “ gạo bài” như cháo (môn Vạn vật mà). Thế là nạp đơn cứ nạp, chơi cứ chơi, tà tà gần đến ngày thi mà tôi tỉnh như ruồi. Còn mươi ngày thì đến ngày thi, ba tôi nhắc khi mô thi mà không thấy con học chi cả, tôi mới giật mình. Ừ, vô lý đi thi mà “ Sờ bụng Ông không một chữ nào”  thì quê quá, tôi bèn bỏ ra mấy ngày đêm ôn tập bài vở.  Ôi chao, một đống bài vở ghi chép dày cộm như ri mần răng ngốn hết đây.
Tôi bèn tỉnh lược bằng cách “ chầm chày may rủi” . Mỗi môn tôi chọn 5,6 bài có nội dung là cốt lỏi của môn đó trong số khoàng 20, 30 bài để học ôn cho kỷ,  trật ra ngoài mấy câu đó thì đành chịu thua. Thế mà khi vào thi ,môn thi nào đề bài có 4 câu  thì  đều trúng vô trong 5,6 câu tôi dự đoán và học thuộc lòng.
        Dù làm bài song suốt nhưng khi so với nổ lực của các bạn khác, tôi có rất ít hy vọng đậu.
          Ngày treo bảng, chúng tôi đến sớm, đứng xớ rớ bên ngoài, nhìn qua cửa kính tôi thấy những giám khảo cùng nhân viên văn phòng đang ráp phách, vô điểm và đánh máy lên danh sách những người thi đậu. Chợt thấy ông Nguyễn Trường Tùng, thư ký trường  đi vào phòng, tôi nói với ông: “ Anh vào xem danh sách ban Vạn vật coi có tên em không. Lê Duy Đoàn, anh nhớ coi dùm nhé”.
           Anh Tùng vào một lúc đi ra nói nhỏ không thấy có tên tôi. Điều này đối với tôi cũng chẳng có gì bất ngờ vì ban Vạn vật hệ Đệ nhị cấp có trên 100 người dự thi tuyển  nghe nói chỉ lấy trên 10 người  mà học như mình thì mần răng  lọt vô cho được.
Đến khi nhân viên văn phòng mang mấy tờ danh sách trúng tuyển ra niêm yết trong bảng thông tư của trường, mặc những người bạn xúm vô xem, tôi thờ ơ vì nghĩ mình hỏng rồi, thì nghe bạn Hoàng Hữu Ân reo lên: “ Ê Đoàn, mi đậu rồi tề”. Tôi không tin, nghĩ là người bạn nói đùa nhưng khi xem bảng đậu thì có tên tôi thật.  Tôi reo lên” Trúng số rồi”. Lời reo vui quả đúng với tâm trạng tôi lúc đó vì tôi tưởng mình hỏng mà lại đậu, mà học Sư phạm lại có học bổng một tháng 2000 đồng. Sướng mê tơi đi chứ?
 Kỳ thi vào trường Đại học Sư Phạm năm 1967 môn Vạn vật hệ Đệ nhị cấp có 17 người đậu, thì tôi đậu thứ 8.
          Các bạn nữ sinh viên có 9 người: Hoàng thi Thủy Tiên,  Trần Nguyễn Tuyết Anh  ,Trần Thị Thanh Đàm, Nguyễn Thị Hiền , Nguyễn Thị Minh Tâm , Lê Thị Thanh Trà, Nguyễn thị Ngộ , Võ Thái Thị Hoàng Hoa , Phạm Thị Ngọc Hiên. Nam sinh viên có 8 người: Nguyễn Đăng Am , Hoàng Hữu Ân ,Ngô Hữu Tín ,Lê văn Nhơn, Lê quang Vinh, Nguyễn Chiếu, Hoàng Kim Thọ, Lê Duy Đoàn.
Tôi để tên bạn Hoàng Thị Thủy Tiên đầu danh sách là có ý khoe một người đẹp trong lớp tôi. Một nhan sắc đài các chuẩn mực của một cô gái Huế toàn ròn. Vóc dáng, làn da,  khuôn mặt, cử chỉ, giọng nói, điệu cười, cả cái răng khểnh, cái lúm đồng tiền, cái chi cũng đẹp. Tánh nết Thủy Tiên thùy mị, đoan trang, vui tươi, nhã nhặn, nết na, dễ gần mà phong thái lại kiêu sa. Dù không ai bình chọn nhưng theo ý rất nhiều người, bạn ấy là hoa khôi không chỉ của sinh viên trường Đại học Sư phạm những năm  chúng tôi học ở trường mà còn là hoa khôi của Sinh viên Viện  Đại học Huế thời đó nữa. Hồi đó nàng đánh đôi, đánh đọ với bạn Trần Đình Tùng, sinh viên năm cuối Đại học Y khoa Huế. Chàng và nàng đi đâu riêng tư với nhau ăn chè, ăn cháo, ăn bánh bèo chén Ngự Bình hay mua sắm gì cũng hay kéo tôi đi theo để làm “ cục kê”. Hồi đó sao tôi khờ khạo thế không biết nữa?
Có điều rất rõ ràng là kỳ thi tuyển sinh viên Sư phạm năm đó chú trọng nhiều đến chất lượng chứ không phải số lượng. Nhìn con số sinh viên trúng tuyển thì biết rõ điều này. Môn Việt Hán tuyển 11 người, môn Pháp văn chỉ tuyển được 2 người,môn Anh văn chỉ 5 người, môn Sử địa chỉ 4 người, môn Toán chỉ 4 người, môn Lý hóa chỉ 8 người và môn Vạn vật nhiều sinh viên nhất cũng chỉ 17 người.
Sau khi đậu kỳ thi viết chúng tôi còn qua một kỳ thi phong cách đứng lớp ( chứ không phải thi oral). Thầy Lê Trọng Vinh, Tiến sĩ Đệ tam cấp, dạy chúng tôi môn Thực vật làm giám khảo. Thí sinh lộ nổi lo lắng và lúng túng ra mặt. Thầy Vinh cao to, trắng hồng, khuôn mặt đẹp trai, phong cách  như Tây, với vẽ mặt khoan hòa động viên mọi người. Đến phiên tôi, vừa cầm phấn viết xong đề bài trên tấm bảng đen, thầy đã khoát tay và nói: “ Được rồi” làm tôi thấy nhẹ cả người.
 
Sau ngày 30-4-75, ở Việt nam, người ta thường nghe câu “ Chuột chạy cùng sào mới vào Sư phạm” khi đến mùa tuyển sinh hàng năm . Điều này nói lên nghề dạy học bị xã hội xem thường, rẻ rúng như thế nào và chất lượng của thí sinh ra sao. Trung bình 3 môn thi là 15 điểm mà 9,10 điểm cũng trúng tuyển thì mấy sinh viên yếu kém này đào tạo ra thành Thầy thế nào nhỉ?
3.     Trường lớp.
            Trường ĐHSP Huế nhìn từ trên cao, hai tòa nhà là giảng đường hình chữ Y, thực hiện theo đồ án của kiến trúc sư Ngô viết Thụ, khôi nguyên La Mã. Một trong hai tòa nhà sau này dùng làm trường Trung học Kiểu Mẫu Huế. Kiến trúc 2 tòa nhà bền vững, phòng ốc thoáng đảng, bố trí hợp lý chức năng sử dung. Không gian nghiêm tịnh hợp với tinh thần Sư phạm. Được học dưới mái truờng này là niềm vinh dự của chúng tôi.
             Có một thời trước 1975, ở miền Nam rộ lên phong trào coi tử vi, dịch lý, phong thủy rất rầm rộ. Nhiều sách báo nói về vấn đề này. Một số người bàn về phong thủy kinh thành Huế nói rằng Huế khó ngóc đầu lên được. Tả thanh long là Cồn Hến, hữu Bạch hổ là cồn Giả viên thật ra là đầu và đuôi con rồng Huế ẩn mình dưới làn nước sông Hương trong xanh tình tự. Khổ nổi đầu rồng bị đóng đinh ngay vị trí con mắt( ý nói bể chứa nước ngọt cung cấp cho thành phố hình dáng như cây đinh), đuôi rồng bị chặn lại bởi Đập Đá nên rồng Huế không thể quẩy đuôi. Như thế rồng làm sao mà bay lên cho được? Lại thêm mặt tiền trường Đại học Sư Phạm và trường Kiểu Mẫu như hai tấm lưới khổng lồ bủa vây nên con rồng Huế phải chịu thúc thủ, dù tài năng bao nhiêu đi nữa cũng không làm chi được?! Chuyện liên quan đến trường của mình, người ta nói oan như vậy mà mình đành chịu không cải được mới tức. Nơi đào tạo ra những người Thầy giáo mà mấy ông Thầy địa nói như rứa làm cho ngôi trường mang tiếng chịu lời, thật là: “Hòn đất mà biết nói năng, Mấy ông thầy địa hàm răng không còn!”.
4.     Khai giảng:
          Chúng tôi dự lễ khai giảng chung 5 khoa của Viện Đại Học Huế niên khóa 1967-1968, được tổ chức long trọng tại giảng đường Viện Đại học Huế. Thầy Lê Thanh Minh Châu là Viện Trưởng Viện Đại Học Huế giới thiệu Thầy Nguyễn Quới  đọc diễn văn. Năm đó Thầy 42 tuổi, quê ở Quảng Ngãi, là Tiến sĩ  tốt nghiệp Viện Đại học Sorbonne.
Diễn văn của Thầy lấy truyện Don Quichotte của Miguel de Cervantes làm cái sườn để dẫn giải về niềm tin đẹp đẻ của con người trong cuộc sống. Cuộc phiêu lưu kỳ vỹ và đầy hoang tưởng của Don Quichotte với người hầu cận trung thành Sancho Panza trên con lừa thật là khôi hài và thảm hại. Cuộc chiến đấu không cân sức giữa ông ta với những gã khổng lồ ( thật ra chỉ là những cái cối xay gió) là cuộc dấn thân vào chốn hiểm nguy để chống lại CÁI ÁC. Một sự hoang tưởng thánh thiện, một ngụ ngôn được Thầy Quới đưa vào diễn văn khai giảng một cách rất là sinh động. Một thông điệp văn hoa cũng là một lời khuyên cho sinh viên, biết ước mơ, tìm cách thực hiện ước mơ và chiến đấu chống CÁI ÁC dù không cân sức.
Về sau này, nhìn lại những việc làm trong thời sinh viên của mình và các bạn bè cùng lứa, tôi thấy nhiều người trong chúng tôi có hơi hám của anh chàng Don Quichotte.
5.     Học hành:
Có một điều rất đặc biệt là chúng tôi học ở trường 3 niên khóa thì có 3 đời Khoa trưởng. Năm 1967, Thầy Lê Trọng Vinh, năm 1968, Thầy Nguyễn Quới và năm 1969, Thầy Nguyễn Đức Kiên kế tiếp nhau là khoa trưởng trường Đại học Sư Phạm Huế. Bây giờ tôi đang giữ Bằng Tốt Nghiệp do Thầy Nguyễn Đức Kiên ký.
          Năm 1968 Thầy Lê Trọng Vinh vào làm Thứ trưởng Bộ Quốc Gia Giáo Dục ở Sài gòn.
Chúng tôi học đồng thời 2 chương trình: Những môn học chuyên nghành Sư phạm chúng tôi học tại trường Sư phạm và các chứng chỉ Cử nhân khoa học chúng tôi học tại trường Đại học Khoa học Huế trong khuôn viên Morin. Mỗi chứng chỉ Thực vật, Động vật và Địa chất lai được chia thành 2 tín chỉ. Mục đích là ra trường Đại học Sư phạm thì sinh viên cũng lấy xong bằng Cử nhân khoa học.
Cũng nói thêm một chút về trang phục của chúng tôi ở trường. Hầu hết nữ sinh viên mặc áo dài màu trang nhã, kín đáo và nam sinh viên bắt buộc phải mang giày, áo chemise màu trắng cổ thắt cravate khi vào trường Sư phạm. Các phân khoa khác của Viện Đại học Huế không bắt buộc sinh viên như thế.
Bạn bè trong lớp chúng tôi rất thân thiết, ngoài nhưng buổi học chúng tôi còn tổ chức du ngoạn, thường rủ nhau đi uống café hay ăn chè cồn, ăn bánh bèo Ngự Bình, liên hoan với nhau mỗi khi lảnh học bổng. Cho đến bây giờ chúng tôi vẫn liên lạc, giữ tình thân và gặp nhau mỗi khi có dịp.
6.     Thực tập:
          Thời gian học tập ở trường Sư phạm trôi qua cũng nhanh. Hai sự kiện lớn trong thời gian này là: Sự kiện Tết Mậu thân( 1968) để lại bao đổ nát, chết chóc, mất mát và tang thương trên miền đất đã nghèo mà còn cực của Cố đô Huế. Sự kiện Sinh viên Huế lãng khóa năm 1970 để lại những xáo động lớn trong xã hội và trong lòng người dân Huế. Tất cả khổ nạn rồi cũng qua.
                                                                                                                             Đến năm học thứ ba ( 1969-1970), chúng tôi có đợt thực tập giảng dạy trên lớp học của các trường Công lập trong thành phố Huế. Tôi được phân vào dạy ở trường Quốc Học. Thầy Phạm Hữu Hiệp hướng dẫn tôi. Khi xong đợt thực tập, ngồi nhận xét từng người một, Thầy Hiệp nói: “Anh Đoàn có lối dạy học giống phong cách giảng dạy của Thầy Hiệu ( ý nói so sánh với Thầy Nguyễn Ký, nguyên hiệu trưởng trường Trung học Quốc học Huế). Giọng nói ấm, không tốn sức mà vang. Diễn đạt rõ ràng dễ hiểu. Truyền đạt đầy đủ nội dung bài giảng. Phong thái tự tin, chững chạc đường hoàng” . Một lời khen của Thầy Hiệp làm tôi vui và nhớ mãi đến tận bây giờ.
Một người bạn tôi là Nguyễn thị Hiền, được Thầy Bữu Đôn hướng dẫn ,thực tập dạy lớp Đệ nhị ở trường Trung học Kiểu Mẫu, gặp rắc rối khi vào lớp bị học sinh quậy phá. Đây là lối quậy phá có bàn bạc sắp xếp trước, để nắn gân mấy ông thầy, bà thầy mặt non choẹt búng ra sữa này cho vui. Mặc dù không được phân vào thực tập tại trường Kiểu Mẫu nhưng do các bạn thực tập ở đây xin nên tôi cũng được Thầy Bữu Đôn cho phép vào dạy đúng lớp quậy phá đó. Mục đích là để cho chúng biết là “bắt ma phải nhờ Thầy pháp”. “Nhất quỷ nhì ma” mà còn bị bắt thì nhằm nhò chi “ thứ ba học trò”.
Sau phần gọi học sinh lên trả bài, tôi bắt đầu giảng bài mới. Vừa cầm phấn viết chữ đầu tiên lên bảng đen thì vài nữ  sinh phía bên phải,rồi bên trái nhao nhao lên: “ Thưa thầy, cho hỏi”. Tôi từ từ quay lại thì thấy 4,5 nữ sinh đang đứng đưa tay lên xin hỏi. Tôi nghiêm mặt, gạt tay: “ Ngồi xuống. Tôi chưa giảng câu nào trong bài mới thì các em có thắc mắc gì để hỏi ? Các em có quyền hỏi nhưng phải đợi tôi giảng xong một đoạn mới được phép hỏi, nghe chưa?” Mấy cô bé hùng hổ bao nhiêu thì khi riu ríu ngồi xuống đều cụt hứng như méo cắt tai. Giảng xong một đoạn, tôi chỉ nữ sinh trông ra vẽ rắn mắt nhất, có lẻ là đầu têu nhóm quậy phá: “ Bây giờ, các em có thắc mắc gì cứ hỏi” Cô bé nói lí nhí: “ Dạ, không hỏi nữa”. Tôi chỉ mấy nữ sinh khác cũng trả lời như thế. Tôi hào hứng giảng bài cho đến khi chuông báo hết giờ.
Mấy người bạn thực tập ngồi dự giờ ở cuối lớp sung sướng ra mặt. Hiền reo lên: “ Ê, tất cả về Vỹ dạ. Tau đãi chè Cồn”.
7.     Ra trường:
Mỗi khóa Sinh viên Sư Phạm ra trường đều được đặt tên khóa theo tên môt danh nhân. Khóa tôi là khóa Phan Chu Trinh.
Cả hai hệ Đệ nhị cấp và Đệ nhất cấp ra trường năm 1970 có 117 người tốt nghiệp. Riêng hệ Đệ nhị cấp chúng tôi có 49 Sinh viên tốt nghiệp.
          Tùy theo thứ hạng kỳ thi tốt nghiệp, mỗi người khi đến lượt mình sẽ được chọn trường trong danh sách nhiệm sở chiếu theo nhu cầu thực tế do Bộ Quốc gia Giáo dục gửi về Trường Đại học Sư Phạm Huế . Các nhiệm sở dành cho sinh viên sư phạm Huế tốt nghiệp trải dài qua các tỉnh thành từ tỉnh Quãng Trị cho đến tỉnh Ninh Thuận.
        Tôi chọn nhiệm sở là trường Trung học Đại Lộc tỉnh Quãng Nam. Trường này nằm ở Thị trấn Ái Nghĩa, huyện Đại lộc trù phú, về phía Tây cách Đà nẵng khoảng chừng 30 km.
        Trường ở vùng nước độc và nguy hiểm nhưng nhờ gần nhà nên tuần nào tôi cũng về Huế… để kiếm vợ.

Sài gòn, 31/3/2013.
Lê Duy Đoàn.
<doanduyle@yahoo.com>