Thứ Năm, 3 tháng 10, 2013

Trực đêm. Truyện ngắn của Lê Duy Đoàn


 
 Lề đường chợ Trương Minh Giảng, quận 3, Sài gòn. Năm 2010.
“Chị Ánh, chị Ánh”. Một cô gái mặc áo dài hoa nhã nhặn, cao vừa tầm, dáng đầy đặn, khuôn mặt tươi duyên dáng với nước da hồng quân sáng chạy vội đến khi Ánh đang ngừng xe, chuẩn bị đẩy xe vào gửi trong bãi giữ xe của chợ Trương Minh Giảng,  Cô gái nắm chặt hai tay Ánh, hai chân nhún nhảy, lộ vẻ mừng rỡ thật tình không cần che dấu, mặc những người xung quanh nhìn nhìn, ngó ngó. Một thoáng ngạc nhiên, Ánh cố nhớ lại cô gái là ai nhưng đành chịu. “ Gặp chị em mừng quá. Chị không nhớ ra em à? Em là con bé thường ngày ngồi bán tủ thuốc lá nơi góc đó kìa. Thủy đây, chị, nhớ chưa?” “Ồ, chị nhận không ra, mười mấy năm rồi còn gì? Bây giờ em phát tướng, đẹp ra,khác hẳn so với hồi trước, Hèn gì.” “ Hồi đó em khổ cực lắm, cơm không có mà ăn, lại còn lam lũ còn nói chi chuyện đẹp với xấu chị ơi! Em biết là nhà chị ở đâu bên kia cầu, hồi trước hay chở mẹ chị đi chợ và đứng nói chuyện với em, thật tình là mấy năm trời em cố tìm để cám ơn chị. Dõi trông tìm hoài bửa nay mới gặp được chị, em mừng quá, em mời chị qua quán cà phê trong hẻm bên kia đường uống ly nước cho vui.” Cô gái cứ luôn miệng nói em mừng quá, em mừng quá làm Ánh thấy tò mò. Hẳn là một niềm vui quá lớn đến với cô nên cô muốn được chia sẻ với một ai đó từng coi cô như một người em gái tội nghiệp.
 
Mùa xuân năm 1999. Chợ Trương Minh Giảng, Quận 3 Sài Gòn.
Ánh thường chở mẹ đi chợ. Xe Ánh dựng bên cạnh cột điện ở góc chợ, giây điện giăng mạng nhện trên cao. Một cô bé ngồi bán thuốc lá lẻ bên cạnh là tủ thuốc lá nhỏ để dăm ba gói thuốc lá khui dỡ. Cô bé có đôi mắt sáng, hai mí lận,mi cong, mày sáng, môi hình trái tim , có hai cái răng khểnh có duyên . Nước da em đen nhẽm,thân hình gầy gò trông ra người nghèo khổ dãi nắng dầm sương. Ánh nhủ thầm trong bụng là con bé này không khổ mãi đâu. Tướng mi trường quá mục và lưỡng nhĩ triều khẩu, thêm hai cái răng khểnh thì thế nào cũng có lúc sung sướng.
Cô bé để mấy quyển tập sách vở trong tủ kính nhỏ kê trên chân xếp, đang chú ý vào tập vở để trên tủ thuốc lẩm nhẩm học bài. “Em học à? Lớp mấy rồi”. Cô bé giật mình ngẫng lên” “Dạ, lớp mười hai chị à” . “Năm ni em định thi vô trường nào?”. “Em ham học lên lắm nhưng điều kiện học như em tốt nghiệp phổ thông đã khó rồi, mong chi đậu vô đại học được chị ?”
Có người để tâm sự, Thủy, cô bé không ngại ngùng nói rõ ra hoàn cảnh của mình. Nhà cô bé nghèo tận mạng. Cả nhà bốn người gồm mẹ, hai anh trai và cô bé dắt díu nhau ngoài Trung vô ở nhờ ngoài hiên có miếng sân vuông nhỏ che tạm mái của nhà người bà con sau chợ Trương Minh Giảng. Mẹ của em làm dưa muối, bỏ chợ, bán lẹt xẹt mớ hành tỏi, gia vị bên lề sau chợ cứ bị trật tự đô thị và bảo vệ chợ gây khó dễ, đá thúng đụng nia hoài. Thêm một tủ thuốc lá lẻ khi thì mẹ, khi thì em ngồi bán. Cha em là sĩ quan chế độ cũ, đi “học tập” về mang theo bệnh trầm kha. Ông về, mới có Thủy. Tính ra hai anh hơn Thủy mười mấy tuổi lận. Thủy chưa đầy tuổi, cha qua đời. Cả nhà đã khốn đốn lại càng khốn đốn hơn. Gia đình Thủy đủ tiêu chuẩn để xin định cư ở Mỹ theo diện HO nhưng nghèo quá, sống lây lất bửa đói bửa no lấy tiền đâu mà lo thủ tục? Kéo theo nỗi đau mất cha, mất chỗ dựa là nỗi đau lý lịch. Hai người anh học giỏi, thi đậu vào y khoa không được học vì “cha có nợ máu với nhân dân”,  đi nghĩa vụ rồi về một người đi phụ hồ, một người làm phu khuân vác trong chợ phụ mẹ sống qua ngày. Bây giờ tới Thủy, không biết có vô Đại học được không, nếu đậu thì tiền đâu mà học bốn năm năm đại học.
“Em ở đây mà vô trường đại học sư phạm ở bên kia đường là tiện vô cùng. Đi học sư phạm không tốn tiền học phí mà em còn được học bổng nữa, có thể trang trải chi phí mấy năm học. Rứa em học giỏi môn gì?” Em thì chỉ giỏi tụng bài, mấy môn khác thì cũng tàm tạm” “ Vây thì em thi Sư phạm Việt văn hay Sử, Địa gì đó, miễn là đậu vô đại học cái đã. Ra trường cũng là cô giáo cấp ba như ai chứ bộ”
                                        *      *
"Từ ngày chị chỉ đường đi nước bước cho em, cuộc đời em như đi vào con đường rộng mở. Mọi chuyện đến với em như gặp duyên lành. Em ráng học và may mắn đậu vào trường Đại học Sư phạm. Ra trường, lại được dạy ở trường trung học Trần Phú, trên quận Tân Phú. Chị thấy hên chưa? Công ăn việc làm của em như thế là ổn định, nghề giáo vất vã nhưng vui. Đi dạy lương tiền không bao nhiêu nhưng cũng giúp mẹ được phần nào gánh nặng gia đình. Em bây giờ có hai đứa con rồi, đủ tiêu chuẩn, một trai, một gái. Ngoan lắm, học giỏi lắm chị à. Anh là bác sĩ, làm ở trung tâm Tai Mũi Họng bên đường Trần Quốc Thảo, quận 3 đây chị ạ.
“Quen ở đâu mà hay vậy?”
“ Duyên thôi chị ạ. Gặp nhau một lần khi ngồi gần nhau trong đám cưới của một cô bạn cũng là giáo viên, nói năm ba câu xã giao, vậy mà không biết trời xui đất khiến sao mà ổng theo em riết. Em thì mặc cảm mình nghèo. Ra dạy học, phải thuê phòng trọ. Mẹ và hai anh vẫn còn lam lủ chạy chợ trong xó chợ Trương Minh Giảng. Vậy đó. Quen nhau, hẹn hò đi uống cà phê, đi ăn sáng với nhau một thời gian, ổng nói với em dẫn ổng đến nhà cho ổng thăm mẹ em. Em cứ lần lửa hẹn hoài vì em sợ ổng khinh gia đình em. Nhưng rồi em nghĩ nghèo là phận mình thì đâu phài là cái tội, có gì mà phải xấu hổ. Hoàn cảnh đưa đẩy nên mình phải chịu chứ nếu ba em không chết  thì gia đình em đâu đến nỗi thế này, phải không chị?  Tánh em thật thà nên em quyết định cứ nói  mọi chuyện về hoàn cảnh của mình cho ổng biết. Nếu ổng sợ phải dính vô một gia đình khố rách áo ôm như gia đình em thì em cũng đành chịu mất một mối tình. Như thế cũng là cách để thử lòng ổng có thương mình thật không. Vậy mà ông lại càng thương em nhiều hơn mới lạ chứ. Ổng nói ổng thương cái nết hiền lành, thật thà chịu thương chịu khó của em. Người mà cố gắng vươn lên trong hoàn cảnh cực kỳ khó khăn như thế là người có nghị lực đáng nể. Em nói thật lòng với chị anh Khang, chồng em là một người tuyệt vời, một người có tấm lòng nhân hậu bao dung vô cùng. Ảnh hiền lắm, gia đình anh cũng tốt lắm. Quen em, gia đình ảnh cũng ngại, sợ rước về thứ không ra gì, lại còn phải cưu mang cả một gia đình nghèo khó. Nhưng rồi gia đình họ thương con nên thương dâu. Vã lại, em cũng biết sống và làm tròn phận dâu con trong nhà nên dần dần họ quý mến em.Khi nào có dịp em giới thiệu anh ấy với chị.”
 Nghe chuyện, Ánh thấy vui trong lòng, thầm nghĩ, chỉ một lời nói bao đồng của mình mà cô bé bán thuốc lá thay đổi cả cuộc đời như trong truyện cổ tích.
Thủy kể tiếp “Sau này, người bà con  cho gia đình em tạm trú trước khoảng sân chật hẹp trước nhà được đi Mỹ theo diện HO. Họ bán gấp căn nhà với giá rẽ. Vây mà anh Khang chịu bỏ toàn bộ tiền tích cóp của anh mua nhà ấy cho mẹ em và hai anh trai em ở. Thật tình em thấy không có ai quý hóa như anh ấy?”
Thấy Ánh có vẻ vội đi ,Thủy quay sang hỏi: “ Hồi nãy giờ em thật là vô duyên. Gặp chị vui quá, mừng quá nên em cứ kể chuyện của em hoài . Thế chị bây giờ làm gì, chồng con ra sao?”
Nói sơ vài nét về chuyện của mình: “ Chị cũng bình thường. Bây giờ chi mở công ty ở nhà chị bên kia cầu. Khi nào rảnh, em tới chơi. Chị có một đứa con gái. Ông xã cũng là kiến trúc sư”.
Thấy Thủy vui vẻ phấn khích kể chuyện lên hương đời mình, Ánh ngại nói về chuyện mình gặp phải hai người đàn ông không ra gì và bây giờ là người mẹ đơn thân với đứa con gái sẽ lớn lên không biết mặt cha. Nếu biết hoàn cảnh éo le của Ánh, chắc cô bé cụt hứng và cảm thấy có lổi khi so sánh hai mãnh chuyện đời trái ngược.
 Ánh chia tay Thủy, không quên trao đổi nhau địa chỉ nhà và số điện thoại.
Thế rồi cả hai người cũng đếu bận rộn gia đình và công việc riêng của mình nên chẳng ai hỏi thăm ai dù có sẵn số ghi trong điện thoại của mình
                                              *         *.
Ánh mừng cho Thủy bao nhiêu thì buồn cho đời mình bấy nhiêu. Trong mắt Thủy , Ánh là người có đầy đủ mọi thứ mà một người con gái như Thủy hằng mơ ước. Thủy đâu biết những cay đắng của Ánh khi bị người ta lừa dối và phụ bạc!
Ánh nghiệm ra trong đời, nhiều chuyện đến với mình từ những sự tình cờ, vậy mà lại dẫn Ánh rẽ qua một con đường khác với những gì mình có dự tính.
Chuyện Ánh vào học trường Kiến trúc và trường Bách khoa đều là những sự tình cờ. Năm học lớp 12, Ánh đã luyện thi vào Y khoa, đến Tết vào thăm người O bà con là một kiến trúc sư, trong hẻm sau nhà, thấy mấy đồ án kiến trúc xếp chồng trên bàn, Ánh hỏi thăm thì O bảo đó là bài của chú Hội, đang học năm hai Đại học kiến trúc. Tự nhiên Ánh thấy thích. Thế là O bảo chú Hội chỡ Ánh xuống nhà thầy Ngữ đang dạy vẽ luyện thi để bắt đầu học vẽ chuẩn bị thi vô Kiến trúc. Học có mấy tháng, vậy mà Ánh cũng đậu .
Ra trường, làm việc vài năm, tình cờ Ánh gặp lại Cẩm,cô bạn kiến trúc sư rủ thi vô trường Đại học Bách khoa, Ánh cũng theo. Đeo đẳng năm năm trời rồi Ánh cũng tốt nghiệp.
Ba  Ánh khuyên: “ Con gái học như con là tốt lắm rồi. Học cao khó lấy chồng. Con gái chỉ có một thời xuân sắc nên lo lấy “cái bằng hôn thú” đi rồi muốn làm chi thì làm. Bằng này có khi còn giá trị hơn hai bằng đại học của con nữa đó” Nhiều người học cao, con nhà danh giá quen thân với Ánh, thật lòng muốn ký cái bằng hôn thú ấy nhưng dù mến họ thì mến nhưng rồi Ánh vẫn chưa nên đôi nên đủa với ai.ai.
***88*
*88                       **   ***.
Thêm một lần tình cờ trong đời, Ánh trở thành người mang tiếng đã có một đời chồng một cách vô duyên.
Trong một lần ăn giỗ ở nhà người rể ngoài Huế, ông nội Ánh ngồi gần ông Thái Hảo. Ông nội xem những đứa cháu học giỏi là tài sản quý giá của giòng họ nên đem chuyện cháu mình là kiến trúc sư ra khoe. Nào ngờ, ông Hảo cũng có người con trai lớn tuổi là kiến trúc sư đang là giám đốc điều hành một công ty kiến trúc xây dựng ở Sài gòn. Như bắt được vàng, ông Hảo xin địa chỉ và số điện thoại để vào Sài gòn tìm kiếm gia đình Ánh để tìm cách xây dựng mối lương duyên cho con mình. Mặc dù anh Hưng, con ông Hảo hơn Ánh một giáp, nhưng nể phục anh là người có tài nên Ánh cũng theo ý cha mẹ cho phép anh đến nhà  tìm hiểu nhau. Ba Ánh nói: “ Thái Hảo là quá tốt, Thái Hưng là quá thịnh. Tên hay. Đúng là nhà có giáo dục.  Tên gọi nói lên lòng mong ước của cha mẹ nhưng tên gọi đôi khi cũng vận vào đời một con người.” Ánh nghe vậy cũng tin họ là những người cực kỳ tốt như tên của họ vậy. Vã lại nghe họ Thái ở Huế nhiều người danh thơm tiếng tốt nên Ánh cũng yên tâm.
Ông Thái Hảo là thầy giáo dạy Pháp văn, hiệu trưởng một trường trung học khá lớn ngoài Huế trước năm 1975. Sau 75, một thời gian dài gia đình ông khốn khó. Vậy mà hai vợ chồng cũng ráng nuôi các con ăn học thành tài. Ánh quý trọng điều đó và tin rằng những người đã sống qua một thời khổ cực rồi đến lúc sung sướng, nếu người ta không quên thời gian khổ của mình thì thường là người hiểu đời, thương người và tốt bụng.
Hưng là một mẫu người năng động, tay nghề cao,khéo luồn cúi những kẻ chức quyền để lobby những hợp đồng béo bở.  Những người như Hưng, thiện xảo trong việc chìu lòn thì lại dễ thành công trong thể chế hiện nay.
Ông Hảo thường đến nhà thăm ba Ánh. Nhìn ngắm căn nhà ba mẹ Ánh mới xây, ông hay lẩm bẩm “ équivalence, équivalence” ý chừng so sánh hai nhà là môn đăng hộ đối. Ba mẹ Ánh cũng là thầy giáo có tiếng ở ngoài Huế  mang cả gia đình với một bầy con bốn đứa, vào đây lâp nghiệp từ bàn tay trắng, nuôi dạy con ăn học thành tài mà còn có cơ ngơi như thế này thì đáng nễ thật.
Qua một thời gian, dần dần tình cảm đôi lứa nảy nở. Lạ một điều là Hưng tỏ ra quá đứng đắn. Tình cảm hai đứa trong sáng như hai người bạn đồng giới. Chẳng đụng chạm, chẳng ôm, chẳng hôn nhau như những người thương yêu nhau thường thể hiện. Nhiều lắm là anh vuốt nhẹ tóc Ánh hay nựng má Ánh như nựng em bé. Ánh nghĩ có lẻ là vấn đề tuổi tác làm anh e ngại chuyện đụng chạm nam nữ hay chăng. Ngay những lần hai người đứng bên nhau riêng tư trên sân thượng nhà Ánh, hay đi chơi xa ở Vũng Tàu, Phan Thiết, trong những khung cảnh hữu tình bên trời mây, sông nước, cũng chẳng có cầm tay, quàng vai hay có gì khác giữa hai đứa ngoài chuyện Hưng độc thoại về chuyện làm ăn và Ánh lơ đảng nghe chữ được chữ mất.
Sau một thời gian quen biết, tìm hiểu nhau, hai vợ chồng ông Hảo xin tổ chức lễ hỏi. Trước khi đến quyết định quan trọng của một đời người như thế, vợ chồng ông Hảo đã hỏi kỹ Hưng là “ Đây là chuyện nghiêm túc không chỉ riêng hai đứa mà là giữa hai gia đình, con cân nhắc kỹ chưa để ba mạ thưa chuyện với anh chi bên nhà?” “ Dạ, kỹ”. Nghĩ rằng có người chồng dù lớn tuổi nhưng có tài năng, cùng nghề,có sự nghiệp, tư cách lại đứng đắn là điều tốt đẹp, Ánh đồng ý.
Sau đám hỏi tổ chức trang trọng đầy đủ lễ tiết theo truyền thống cưới xin kiểu Huế vào một ngày cuối năm, Ánh và Hưng ra Huế thăm nhà và bà con hai họ, như một lời giới thiệu rằng họ đã là một đôi vợ chồng. Chị Hải, chị của Hưng mua hai vé tàu lửa cho hai người thay vì vé máy bay, một vé giưòng nằm tầng một, một vé tầng ba trong khoang tàu chật hẹp sáu giường. Lên tàu, Hùng dành nằm tầng một và  Ánh là con gái mà phải leo tuốt lên tầng ba. Ánh tủi thân muốn khóc nhưng cố kìm lòng, trong bụng thầm nghĩ sao mình lại đồng ý lấy một người tệ tàng như thế. Gió quạt hơi lạnh thẳng vào người làm Ánh ớn lạnh. Tuột xuống sàn, Ánh  nói với Hưng: “Lạnh quá, em xuống đây cho đở lạnh.” Những người hành khách trong khoang nhìn hai người và hỏi hai người là gì của nhau, Ánh đáp: “ Dạ, chúng tôi mới đính hôn” Một người bảo: “ Chưa cưới thôi, chứ làm lễ hỏi thì trên danh nghĩa đã là vợ chồng rồi. Đàn ông sao không lên nằm trên tầng ba mà bắt vợ lên đó tội nghiệp rứa? Thôi  vợ chồng nằm chung một giường cũng được, có sao đâu? Mắc cở chi?”. Hưng hầm hầm mặt giận, vùng vằng leo lên tầng ba.
Nghĩ lại hình ảnh hai người đứng vái trước bàn thờ gia tiên nguyện ăn đời ở kiếp với nhau, đôi khi Ánh lại chạnh nghĩ, sao mình lại lâm vào một tình thế dỡ khóc dỡ cười như vậy. .
Trước đây, Hưng thường gọi điện cho Ánh ban đêm để nói chuyện nhưng bẳng đi một thời gian, Hưng chẳng gọi. Ánh có gọi thì máy Hưng luôn bận. Ông Hảo qua nhà thăm, Ánh hỏi thì ông bảo là Hưng hay vắng nhà ban đêm. Ông nói: " Nó nói lúc này nó bận lắm. Nghe có mấy công trình gấp nên nó phải trực đêm ở công ty để thúc đẩy những nhân viên thiết kế làm việc cho kịp giao".
Cùng trong ngành kiến trúc nên Ánh biết áp lực công việc trên một người quản lý là như thế nào.
Ánh ngây thơ tin là vì công việc nên Hưng phải trực đêm.
Chỉ một thời gian sau, chính ông Hảo thông báo với gia đình Ánh, Hưng đang gần gũi với con gái của một người bạn của anh ta chỉ hơn anh ta vài tuổi ở Tây Ninh. Người con gái này lăn xã vào với Hưng bất kể sĩ diện, dù biết là Hưng đã đính hôn với Ánh. Vậy mà hai ông bà không khuyên răn cấm cản gì cả.
Sau khi tìm cách ve vãn Hưng, thấy Hưng ngã về mình, cô gái ấy đã thuê nhà ở riêng một mình để Hưng dễ tìm đến.
Hưng tiếp tục "trực đêm" bất kể nắng mưa.
Trực đêm!
Cô gái ấy có bầu. Biết chuyện,Ánh quyết định từ hôn. Một mình Ánh qua nhà ông Hảo ở quận một trả lại vòng vàng lễ vật của nhà trai tặng trong lễ hỏi. Ông Hảo ngồi chết trân vì xấu hổ, bà Liên Hoa mẹ của Hưng mặt dửng dưng như không có chuyện gì động trời vừa xảy ra. Bây giờ Ánh mới thấy gia đình họ không còn là gia đình Thái Hảo nữa mà là Thái Bất Hảo.
Ánh đau nỗi đau của người con gái mới lớn, trong sáng, thật thà mà bị cả một gia đình gọi là nền nếp cùng xứ cùng quê lừa đảo để mang tiếng chịu lời là đã có một đời chồng . Về sau này, khi nghe ba Ánh và những người bạn của ông phân tích thì Ánh lại mừng vì thoát được một trường hợp oái oăm là gắn bó đời mình với một con người không bình thường .
Thì ra Hưng là một người không bình thường. Hèn gì quen nhau cả sáu tháng trời mà  chẳng hề quàng vai bá cổ, ôm hôn hay tỏ ra ham muốn xác thịt. Ánh ngu ngơ về tình dục nên cứ nghĩ là Hưng quá đứng đắn. Ngẫm lại, những lần Hưng nói chuyện hay vồn vã với những người bạn đẹp trai, đi sắm áo quần cho họ mà ghê. Những người chủ shop áo quần nói với Ánh là anh Hưng thường đến đây mua sắm với anh Trường và chi trả cho anh ta vài triệu tiền hàng là chuyện thường. Ánh đã gặp Trường. Một họa sĩ đẹp trai, phong trần vẻ ngoài có cá tính. Hai người mày đưa mắt liếc với nhau mà Ánh đâu có biết và chẳng hề nghi ngờ gì.
Những người bạn trai khác như Ngọc Anh, Chương cũng là dân kiến trúc cũng là những người đẹp trai. Nói như lối nói bây giờ thì họ là những người đàn ông "xăng pha nhớt" thứ thiệt.
Ánh hỏi bác sĩ Duy là một bác sĩ nội khoa nhưng có chuyên khoa về Tình dục học “vì sao một người như thế mà có thể có con?”. Bác sĩ Duy giải thích: “ Họ rất đa dạng. Có người lấy vợ cho đẹp mặt gia đình, nhưng chẳng màng chi đến chuyện ân ái. Có người có thể sinh hoạt tình dục bình thường nhưng chỉ chiếu lệ gọi là như một bổn phận phải có của người chồng chứ chẳng mặn mà chi chuyện ấy vì xu hướng tâm lý tình cảm của họ thiên về người đồng giới. Sống vợ chồng một thời gian, đến một lúc nào đó họ sẽ quay trở lại xu hướng cũ mà thôi. Xu hướng đó có tính chất tiên thiên hay tập nhiễm là tùy từng người. Có lẻ Hưng thuộc loại người thứ hai này. May cho con là không dính vô những người này. Đau khổ lắm con ạ. Có thể họ là những người thành đạt, giàu có nhưng tiền bạc danh vọng để làm gì nếu con sống với một người nằm bên vợ mà hồn đâu đâu thì có chi là sung sướng, hạnh phúc?”
Thế là đã rõ mười mươi. Ánh nghe vậy cũng có phần nào nguôi ngoai đôi chút.
*             *
Lại thêm một lần tình cờ như sự sắp xếp của số phận. Ánh đang làm trưởng phòng thiết kế cho công ty Thiết Mộc Lan. Giám đốc công ty là chị Yên rất quý mến Ánh. Khi những người em của chị tốt nghiệp đại học kinh tế, về làm việc trong công ty thì mọi chuyện khác đi. Có kèn cựa, ganh tỵ chèn ép xảy ra làm Ánh thấy buồn, thấy nản. Cô bạn kiến trúc sư trước đây rủ Ánh học đại học bách khoa nói công ty cô ta đang làm cần người và giới thiệu Ánh như là một người tài năng cho giám đốc công ty Deresco thuộc Tổng công ty Địa ốc Sài gòn chuyên về nhà cao tầng. Trong nghề nghiệp,thứ gì Ánh cũng đã kinh qua, chỉ có thiết kế nhà cao tầng và soạn thảo dự án là chưa có kinh nghiệm. Năm đó Ánh lại cần đề tài để chuẩn bị viết luận văn tốt nghiệp đại học bách khoa. Những điều đó mời gọi Ánh qua làm ở công ty Deresco.
Giám đốc Kiến ưu ái đưa Ánh vào vị trí Trưởng phòng thiết kế. Công việc thì thú vị nhưng dần dần Ánh bị áp lực nặng nề là dù ông Kiến đã có vợ đẹp con trai con gái hẳn hòi mà lại tìm cách dụ dỗ tình cảm của Ánh. Những báo cáo, trình bày ý tưởng thiết kế, ông hay bày trò gặp riêng ông ở quán nước, quán ăn. Ba mẹ Ánh bảo nếu nó cứ làm trò đó thì con đi kiếm chỗ khác làm, không cần. Hiền, một kiến trúc sư cùng làm trong phòng thiết kế, người quê ở huyện Phù Cát,Bình Định có cảm tình với Ánh, dù anh ta kém Ánh đến bốn tuổi, làm như  Lục Vân Tiên“ giữa đường thấy chuyện bất bình chẳng tha” sẵn sàng nhảy vào bảo vệ Nguyệt Nga khi cần. Có Hiền bên cạnh Ánh, ông Kiên cũng có phần e dè.Những săn đón, tìm cách gần gũi của anh ta làm Ánh thấy ngợp. Ba mẹ Ánh và những người bạn của ông là bác sĩ Duy, ông Toàn khuyên Ánh nên tránh đi ngay từ đầu, không nên đến với người đàn ông nhỏ tuổi hơn mình vì sẽ có những điều không hay xảy ra nhưng Ánh như người bị bùa mê thuốc lú không nghe nhưng lời khuyên bảo khôn ngoan của họ.
Ba mẹ Ánh can ngăn không được cũng đành lòng theo ý của Ánh cho phép mẹ của Hiền qua nhà thăm làm quen.
Ba của Hiền là sĩ quan chế độ này nhưng mất sớm khi hai chị em Hiền đang còn nhỏ tuổi. Mẹ của Hiền là bà Hiếu Đức cao thô, lưng dài chân ngắn, dáng điệu quê mùa. Khuôn mặt bà xạm đen, trán thấp,mắt lộ hơi lé, mũi thô, lộ hốc,lưỡng quyền cao, tóc khô. Hiền có vóc dáng và khuôn mặt giống mẹ nhiều điểm. Vậy mà Ánh lại mê muội chấp nhận một người như thế! Ba Ánh nhìn tướng nói người này tuổi nhỏ cùng khổ, trung niên khá lên một chút rồi thế nào hậu vận cũng khổ. Quả thật như thế. Bà Đức ít học, theo hoạt động cọng sản khi còn nhỏ, bị bắt đi tù ngoài Côn Đảo. Ra tù sau 75, bà được phân vào làm trong hội phụ nữ tỉnh Bình Định, chiếm được một căn nhà mặt tiền ở thành phố Quy Nhơn. Ba Ánh nói thêm: “Những người mẹ một mình nuôi con như thế này dù có hai đứa con trai con gái thì khi người chị đã lấy chồng, còn lại một mẹ một con. Thường thì họ đã chịu cực khổ nuôi con nên thương con trai bao nhiêu thì họ ganh ghét con dâu bấy nhiêu vì họ xem con dâu là người cướp đoạt tình cảm con họ. Họ ghen nên ghét”.  Về sau này, mọi chuyện xảy ra đúng như thế!
Lễ hỏi, lễ cưới được ba me Ánh cho phép tồ chức cùng lúc vào một ngày cuối năm vì bà con bên Hiền đều ở ngoài Bình Định. Trong đám cưới, trước bàn thờ gia tiên, ba Ánh bật khóc không ngăn được. Có lẻ  ông thấy trước được nổi khổ của Ánh sau này khi lấy chồng.
Quan khách và bà con hai họ nhìn vợ chồng Ánh như đôi đủa lệch đều nói là chồng cú vợ tiên. Ánh chẳng xem mình là tiên mà khinh chồng là cú nhưng dần dần Hiền lộ ra những thói tham lam, lọc lừa, dối trá và háo sắc mà trước đây khéo che giấu. Những người khác thì thấy chuyện gì xảy ra còn Ánh thì mù tịt, cứ một lòng tin tưởng chồng mình. Đến khi cây kim trong bọc lòi ra Ánh mới biết mình bị lừa dối đã lâu.
Bích Đào, người con gái nhảy sổ vào giữa hai người lại là nhân viên marketing của công ty của Ánh do chính Ánh tuyển dụng mới trớ trêu làm sao.
Bắt đầu từ mối quan hệ bất chính này, Hiền thường xuyên dối trá. Khi thì đi về quê vì người thân bịnh, khi thì giao dịch khách hàng ở xa, khi thì phải ở lại công ty lo cho kịp bản vẽ… Thôi thì đủ trò lắm chuyện láo lường.
  Thì ra chuyện bất chính của họ đã có từ lâu trước ngày cưới của Ánh. Cô ta nhắn tin hàng trăm cuộc vào điện thoại di động của Ánh để khiêu khích, chửi rủa, đe dọa đủ điều. Khi mọi chuyện vở lỡ, không thể chối cải được, Hiền mới thú thật mọi chuyện và nói là bị cô nàng gài bẩy.
Ba Ánh gặn hỏi Hiền sao lại sa đà vào con đường phản bội lòng tin yêu của vợ như thế thì Hiền chống chế: " Ban đêm con ở lại khuya, làm việc một mình trên công ty thì Bích Đào đi ngang qua thấy đèn sáng, gọi điện biết là con đang ở trên lầu nên ghé lên chơi. Cô ấy mang cho con một ly nước mía. Rồi cô ấy tự cởi đồ ra khêu gợi. Con như bị cô ấy mê hoặc, đầu óc mụ mẫm, không kìm được ham muốn xác thịt nên lỡ ăn nằm với cô ấy. Cô ấy dọa là sẽ nói ra sự thật nên con phải theo cô ta để cho sự việc không vỡ lỡ. Càng cố dấu thì cô ta lại càng làm tới." 
Gia đình Ánh nhiều lần khuyên nhủ, tha thứ nhưng Hiền vẫn sa đà vào với Đào như người bị bỏ bùa mê. Có kinh nghiệm một lần rồi nên Ánh cũng chẳng tin gì lời biện hộ của Hiền. Không phải vì trực đêm hay không trực đêm mà sinh chuyện. Tất cả đều mọi chuyện đều do ham muốn tình dục của người đàn ông. Họ có làm chủ được mình và kìm hảm được bản năng hoang dã của mình hay không mà thôi.
Khi công an quận ba, thành phố Sài gòn lên Pleiku đến tận nhà, mời hai mẹ con Đào đến làm việc lấy lời khai vì tội vi phạm luật hôn nhân gia đình một vợ một chồng và đe dọa người khác, công an khu vực ở đó cho biết là gia đình đó hoạt động và môi giới mại dâm. Nói rõ ra bà mẹ từng làm gái, già rồi chuyển qua làm trùm .Anh cô ta đang ở tù vì cướp có vũ khí. Nhào vô một gia đình như thế thì Hiền không chết cũng ngất ngư.
Chuyện đời đôi khi tréo ngoe. Nhiều người đàn ông lấy được vợ đẹp, có học, con nhà có giáo dục tốt, phẩm hạnh hiền lương, có công  ăn việc làm ổn định, có danh phận với đời vậy mà lại chạy theo những người con gái bất lương,thiếu học,con nhà hư hỏng! Người ta nói loại đàn bà này không đáng xách dép cho những người vợ nói trên nhưng loại đàn bà đó lại xách tai kẹp cổ được ông chồng của họ! Có lẻ loại đàn bà này giỏi “ vành ngoài bảy chữ, vành trong tám nghề” hơn hẳn những người vợ ngoan hiền của họ!? Ôi đàn ông! Chẳng biết đâu mà lần.

Cũng là vì trực đêm!
Bích Đào có bầu trước khi Ánh có bầu mấy tháng.
Sau ngày cưới ba Ánh căn dặn: “ Đây là sự chọn lựa của con. Sướng khổ con ráng chịu, đừng trách ai. Luôn luôn ba me đứng bên cạnh con, có chuyện gì khó khăn con cứ nói cho ba me biết.” Khi biết chuyện tệ hại xảy ra, ba mẹ Ánh không trách con lời nào mà chỉ động viên Ánh: “ Nó tệ quá. Tha thứ nhiều lần vẫn đeo theo con nớ. Con sống với chồng như rứa không khác sống trong tù ngục. Con không làm điều gì sai trái nên không sợ gì dư luận. Đối với ba me, đừng nói đến tai tiếng, xấu hổ. Mấy thứ đó ba me quăng vào sọt rác. Con có hạnh phúc, ba mẹ vui, con không hạnh phúc ba me buồn. Ba mẹ chỉ quan tâm chuyện con có hạnh phúc hay không mà thôi. Thế thôi.  Ly dị mà con có đứa con gái hủ hỉ là tốt rồi.”
Ánh đau khổ vô cùng khi ly dị. Tòa án quận ba sau khi hòa giải không thành đã ra quyết định ly hôn ngay cả khi Ánh gần đến ngày sinh nở! Ánh bỏ của chạy lấy người, giao xe giao nhà cho Hiền thì anh ta mới chịu ký vô đơn thuận tình ly hôn.
Chánh án tòa án quận ba và viện phó viện kiểm sát mắng Hiền thậm tệ trong buổi gặp cuối cùng trước khi ra quyết định ly dị. Hiền trơ mặt vô cảm. 
 Bích Đào đem con giao cho bà Đức, mẹ Hiền nuôi để rảnh tay theo đuổi những người đàn ông khác.
Ánh tự nhủ lòng từ nay về sau đừng tin vào vẻ hào nhoáng bên ngoài của một gia đình và đừng tin vào ý nghĩa hay ho của những cái tên. Những người có những cái tên đẹp như Thái Hảo, Thái Hưng  thì bất hảo vô cùng và tên là Hiền, Đức thì lại chẳng hiền chẳng đức tí nào cả.
                                                       *          *
 
Đêm Noel năm 2012.
Một buổi tối mùa đông, trong cái se lạnh của tiết Noel, Ánh đang cuộn mình trong chăn ôm con gái nhỏ vào lòng thì đột nhiên điện thoại reo. Ánh cứ phân vân không biết ai  gọi điện thoại cho mình giờ này. Nhìn số điện thoại có ghi tên Thủy, Ánh ngạc nhiên sao lâu nay không liên lạc với nhau mà cô nàng lại gọi vào cái giờ khuya khoắc thế này nhỉ. Chắc là có chuyện gì.Uể oải nhấc điện thoại lên a lô, Ánh hốt hoảng  khi nghe hai tiếng  “chị ơi” thảng thốt, người bên kia đầu dây khóc òa lên nức nở không dừng được. “ Bình tỉnh đi nói chị nghe. Có chuyện chi mà khóc dữ vậy?” “ Em. Thủy đây chị. Em khổ quá”. Một người hạnh phúc đong đầy như trong chuyện cổ tích sao có thể khóc như mưa thế này?
Khóc một lúc đã đời, Thủy mới kể chuyện trong tiếng nấc nghẹn ngào: “ Anh Khang, ảnh tệ lắm, ảnh làm người ta có bầu”. “ Sao em biết” “ Nghe người ta nói mà em không tin. Bây giờ em đến phòng riêng của bác sĩ trực trên cơ quan, em bắt tại trận. Hết chối.” “ Ai?” “ Cô y tá cùng trực đêm với ảnh”.
 
Trực đêm!
 
Lê Duy Đoàn,
Sài Gòn, 01/10/2013
 
Ghi chú: Tác giả không chịu trách nhiệm nếu có việc trùng tên hay trùng hợp sự việc.