Thứ Hai, 11 tháng 3, 2013

Bài giới thiệu Triển lãm "Lạ" của Lê Duy Đoàn ngày 19/9/2009 tại Huế của HS Đặng Mậu Tựu



PHÒNG TRANH "LẠ" GIỮA HUẾ QUEN
Họa sĩ Đặng Mậu Tựu
                                                                   Chủ tịch Hội LHVHNT Thừa thiên-Huế

Trong không khí đầy tình thân từ quí quan khách, từ các văn nghệ sĩ, tư bạn bè cũ và của gia đình Họa sĩ Lê Duy Đoàn hôm nay tại 4 Hoàng Hoa Thám, một ngày cuối thu, gặp nhau ở phòng triển lãm "Lạ" của họa sĩ Lê Duy Đoàn.
Chúng ta thấy sự ấm áp của cái tình khi đứng giữa phòng tranh. Một cái Title khiêm tốn của một người đi xa về vẫn cứ sợ cái nhìn của đồng hương, nên phải tự nói Lạ để mà thông cảm, bởi Lê Duy Đoàn thấy mình sợ lạ giữa người quen, sợ tác phẩm mình là giữa cái nhìn của đồng nghiệp, bởi anh tự học mà thành. Lạ bởi sợ mình xa vắng cái thông cảm.
Đối với những người xem, chắc hẳn sẽ không lạ, bởi tranh anh có cái tình 38 tác phẩm vẽ bằng sơn dầu được trình bày ở đây, người xe sẽ thấy từ sự thống nhất phong cách, từ bố cục, bút pháp và sự diễn ý, những nét chấm phá, sổ gãy như những nhát phủ phất thủy mặc, những hình thù như những ký hiệu trên vách hang động tiền sử, những xung động cuồng nộ trong tranh anh không nhiều, có lẽ anh đã quá nhiều trăn trở, cuồng nộ mà làm chi, khi mây vẫn trôi và hoa vẫn nở - Với cái cảm và lối biểu đạt quen thuộc của các họa sĩ sống ở miền Nam, thì trong mỗi hình thể, mỗi biểu tượng mỗi vuông màu đều có cái tham là cho nó một chút triết lý, muốn gửi tới người xem một chút ưu tư, về thân phận, một chút cay nồng bất chợt dậy lên từ cuộc sống, một ít thôi vị đắng trong ly café buổi trời mưa trong quán vắng, một thoáng dáng nàng xanh xao, thanh thoát ẩn hiện chất lãng mạn trong khuôn cửa khép hờ, những vệt màu cũng có khi cuồng nộ vì cái mỏng manh cuộc đời, có khi buông thả đến tuyệt cùng không gian vô hạn định. Những không gian ấy, những bóng dáng ấy, những kỷ niệm ấy có lẽ đó là quê nhà mà anh mang đến tận bây giờ. Để rồi chiều nay tại đây anh mở ra một không gian mới để mọi người hiểu được anh, người ta không lạ về anh nữa - anh vẫn là người quê mình và vẫn luôn nghĩ về Huế của mình bởi đây là triển lãm đầu tiên trong đời anh - để trả ơn bậc sinh thành, trả ơn xứ sở đã cho anh thở bầu không khí quê nhà, bởi anh không xa lạ khi ta biết anh là người làng An Ninh Hạ, Hương Long, TT.Huế.
Sinh năm 1945 - Lúc tiểu học ngồi ở ngôi trường Vạn Xuân, lớn học trung học ở Quốc Học, rồi vào Đại học Khoa học và tốt nghiệp Đại học Sư phạm Huế ban Vạn Vật.
Rồi đi dạy tại các trường Trung học Đại Lộc (Quảng Nam), Trung học Quốc Học, Nguyễn Du, Gia Hội Huế vào các năm 1970-1983. Từ 1983 đến nay anh sống và làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Tốt nghiệp một ngành khoa học, nhưng lại thích vẽ với lòng yêu hội họa, anh đã xin dự thính trường Cao Đẳng Mỹ thuật Huế chỉ hai năm đó là 1967-1969.
Rồi anh bắt đầu vẽ bằng những đồng tiền dè xẻn chắt bóp từ những đồng lương, bức tranh đầu tiên năm 1964 với Thiếu nữ trong rừng dương, bắt đầu từ bóng dáng ấy anh đã theo đuổi cuộc chơi cho đến bây giờ, những ray rứt khi phải mưu sinh, phải dồn sức cho cuộc sống, nhưng anh vẫn vẽ, vẫn sáng tác trong điều kiện có thể, và cả đời người anh vẽ chỉ hơn 100 tác phẩm, nhưng với anh đó là tất cả, là tình yêu cuộc sống, tình yêu nghệ thuật, và cả tình yêu gia đình. Có cuộc triển làm này, cũng là công rất lớn của người bạn đời anh, yêu thương động viên và cả ngân phí để cho anh thỏa ước.
Nói cho cùng 38 tác phẩm của họa sĩ Lê Duy Đoàn hôm nay là một sự tinh lọc của cả đời anh.
Cũng như mọi người sáng tác, tác phẩm mới là còn giữa cuộc đời, sự hiện hữu mong manh, nhưng có cái gì đó, một chút thôi: Tôi có mặt.
Chúc phòng triển lãm thành công tốt đẹp.
Họa sĩ Đặng Mậu Tựu
                                                                   Chủ tịch Hội LHVHNT Thừa thiên-Huế

Liên đoàn Học sinh Phật tử Thừa thiên- Những ngày sống động 1970



 LIÊN ĐOÀN HỌC SINH PHẬT TỬ THỪA THIÊN
NHỮNG NGÀY SỐNG ĐỘNG 1970
                                                                                
                                                                 Nguyên Viên   Lê Duy Đoàn

Nếu có ai hỏi Duy là thời gian nào thú vị và đáng nhớ nhất trong đời, Duy sẽ không chút ngần ngại mà trả lời ngay là quãng thời gian phụ trách Liên đoàn trưởng Liên đoàn Học sinh Phật tử Thừa Thiên.
Mùa hè năm 1970. Duy học năm cuối ban Vạn Vật, hệ đệ nhị cấp trường Đại học Sư phạm Huế. Trong khi các bạn cùng khóa lo miệt mài học tập để vượt qua các môn thi ra trường thì Duy lại mãi mê những chuyện bên ngoài học đường.Duy đã dành hầu hết thời gian sinh hoạt của mình cho sự lớn mạnh của Liên Đoàn HSPT Thừa thiên.  (Trong bài này chữ Liên Đoàn hàm ý là Liên Đoàn HSPT Thừa thiên, BCH là viết tắt Ban chấp hành Liên Đoàn HSPT Thừa thiên và tên Duy thay cho đại từ“ tôi”  )
1. Thành lập Ban Chấp hành Liên đoàn Học sinh Phật tử Thừa Thiên. Một tuần trước ngày họp Đại hội HSPT Thừa Thiên, anh Bửu Tôn, một người bạn trong Đoàn Sinh viên Phật tử Huế nói với Duy: “Duy qua làm Liên đoàn trưởng Liên đoàn HSPT đi, sắp tổ chức bầu lại BCH tuần tới”. Duy chưa biết Liên đoàn này sinh hoạt ra sao nên tỏ ý ngần ngại, nhưng rồi Tôn cũng thuyết phục được Duy. Thêm một số bạn trong đoàn Sinh viên Phật tử Huế cũng tham gia BCH cùng các bạn trong BCH cũ.
Buổi họp khoáng đại Liên đoàn tổ chức ngày 03/05/1970 (ngày 28 tháng 3 Âm lịch) tại phòng vui chơi của Mẫu giáo Lâm Tì Ni, bên cánh phải chùa Diệu Đế. Nói là bầu ban chấp hành nhưng thật ra nhân sự đã được sắp xếp hoàn chỉnh từ trước khi đại hội nên trong buổi họp chỉ là giới thiệu từng người rồi vỗ tay đồng ý thông qua nhanh chóng để thành lập BCH Liên đoàn HSPT tỉnh Thừa Thiên.
Liên Đoàn trưởng: Anh Lê Duy Đoàn ( trong bài này là Duy), SV ĐHSP. Huế
Liên Đoàn phó1: Anh Nguyễn Hữu Nhơn (SV Đại học Sư phạm Huế,là Liên đoàn trưởng  tiền nhiệm)
 Liên đoàn phó 2: Chị Trần Thị Mai, SV Đại học Sư phạm Huế.
Chánh Thư ký:  Anh Trần Duy Phô ( Học sinh trường Quốc Học Huế)
Thủ quỹ: Chị Trần Thị Minh SV Đại học Sư phạm Huế
Thường trực – Văn thư: Anh Trần Văn Xoa – Anh. Đào Văn Tánh
             Sau buổi họp, là một bửa cơm chay rất thân tình cởi mở.
Một luồng sinh khí như được thổi vào Liên đoàn HSPT Thừa Thiên từ đây.
            2. Trại ra mắt Liên đoàn HSPT Thừa Thiên.
Theo mô hình tổ chức từ trước, Liên đoàn bao gồm các Chi đoàn là những đơn vị riêng lẻ theo đơn vị trường học: Chi đoàn Quốc Học, Chi đoàn Đồng Khánh, Chi đoàn Anôma (Bán Công – Hưng Đạo), Chi đoàn Bồ Đề …, Chi đoàn Bồ Đề Long Quang.
            Buổi lễ ra mắt Ban Chấp hành Liên đoàn diễn ra trong không khí tẻ nhạt, rời rạc và nghi kỵ với sự có mặt của chừng năm sáu mươi em, xếp hàng rời rạc trong khuôn viên trước chùa Diệu Đế. Mươi cái trại, căng tăng, bạt chẳng có trang hoàng gì, có lẻ do vội vàng. Trang phục của đoàn sinh không đồng đều, áo xanh, áo trắng, quần sọt, quần dài. Em thì mang khăn quàng, em thì chưa có. Nói chung là thiếu phong cách của một đoàn thể có tầm cỡ của một tỉnh hội Phật giáo.
 Thời điểm này là thời điểm có biến động chính trị và xã hội rất lớn ở Huế. Phong trào tranh đấu của sinh viên học sinh Sài gòn và Huế đang diễn ra sôi động với các hoạt động bải khóa, hội thảo,tuyệt thực của sinh viên học sinh. Duy cũng bị cuốn trong đó .
Đêm sinh hoạt lửa trại, có một số tiết mục ngâm thơ và hát hò của một số bạn sinh viên tham gia.Đó là Võ Quê, Trần đình Sơn Cước, Bữu Chỉ, Phan hữu Lượng, Lê nhược Thủy….là những khuôn mặt quen thuộc trong sinh viên tranh đấu có trụ sở Tộng hội sinh viên ở đường Trương Định, Huế.  Điều này tạo ra một dấu hỏi trong một số đoàn sinh nhất là Chi đoàn Đồng Khánh ( Oanh, Thương, …) và Chi đoàn Anôma (Dõng, Bó, Trần Phát Minh, …). Câu hỏi: Có phải anh Duy làm Liên đoàn trưởng là để lợi dụng lực lượng HSPT cho những ý đồ chính trị …Các em đâu biết là Duy chỉ sinh hoạt trong các đoàn thể Phật tử chứ không dính dáng đến bất kỳ đảng phái hay tổ chức chính trị nào cả.  
            Khi Liên đoàn HSPT ngày càng phát triển cả về số lượng đoàn sinh và chất lượng sinh hoạt, các em đoàn sinh mới tin Duy toàn tâm, toàn ý cùng Ban chấp hành xây dựng Liên đoàn, nâng hoạt động của Liên đoàn lên một tầm cao mới. Mọi thành công tốt đẹp của Liên Đoàn HSPT Thừa thiên trong năm 1970 là do công sức của cả Huynh trưởng và đoàn sinh. Trong đó, BCH là một tập thể nhiệt tình,đầy năng lực, hòa thuận và tin tưởng nhau cùng góp mỗi người một tay gây dựng nên sự lớn mạnh của Liên Đoàn.
Sau này, thêm một số anh chị tham gia sinh hoạt : Anh Từ Vân Tường, Anh Phan Hoàng Quý, Anh Phan Hữu Lượng, Anh Phan van Luận, Chị Phạm ngọc Túy,Anh Cao hữu Điền, Anh Đinh Tấn Hùng….
           
3.  Liên đoàn  những ngày đầu hoạt động.
            Văn phòng Liên đoàn HSPT Thừa Thiên là môt căn phòng ngoài cùng của dãy nhà bên trái, đối diện với trường Mẫu giáo Lâm Tì Ni, trong khuôn viên chùa Diệu Đế- Số 100 B đường Bạch Đằng Huế. Văn phòng nằm sát bên những phòng dành cho Đặc ủy Xã hội Phật giáo do Sư bà Thích Nữ Thể Quán và Sư cô Thích Nữ Cát Tường phụ trách. Sau khi BCH thành hình và đi vào hoạt động, Sư bà gọi Duy đến và trao cho Duy một bì thư có 10 000 đồng. (Đây là số tiền lớn tương đương 1 lượng vàng vào lúc đó). Duy giao cho anh Xoa và anh Phô đi mua ngay một máy đánh chữ và bút chỉ văn phòng. Những ngày đầu ở lại văn phòng họp hành để định hình sinh hoạt và chuẩn bị cho những sinh hoạt phong phú  sắp tới chiếm hết thời gian của Duy từ sáng cho đến tối mịt.
Trước đây, Duy đã từng sinh hoạt trong Gia đình Phật tử Phú thạnh từ năm 1954 từ lúc còn là oanh vũ, cho đến năm 1964 làm huynh trưởng Thiếu nam .Đến 1968 Duy chuyển qua sinh hoạt trong Đoàn Sinh viên Phật tử Huế . Duy lại thích triết học và tìm hiểu Phật học, đồng thời lại có kỷ năng sinh hoạt cộng đồng và lảnh đạo một đoàn thể Phật tử nên khi làm Liên đoàn trưởng, công việc chẳng có gì là khó khăn.Duy dự kiến và đưa ra nhiều thay đổi trong tổ chức Liên đoàn, hầu hết anh chị em trong BCH đều hoan hỷ chấp nhận và góp tay thực hiện bằng hết khả năng của mình nên hầu hết mọi tổ chức đều thành công mỹ mãn.
Trưa chiều anh em 5, 6 người qua nhà bếp của quý Sư cô ở trường Lâm Tì Ni lục tìm cơm ăn. Thức ăn thì chỉ rau luộc, nước tương nhưng ai cũng ăn mạnh, ăn nhiều. Sư cô phụ trách nói nhỏ nhẹ: “Anh em HSPT ăn thì báo trước để mấy Cô nấu thêm cơm, chứ ăn như ri thì mấy cô nhịn đói, nhường phần mà thôi.” Nhớ lại, lòng Duy thấy cảm động và quý mến Quý Sư Bà, Sư cô vô cùng– họ như những bà Mẹ, bà chị  chăm lo cho anh em HSPT. từng ly từng tý.
            4. Quán giải khát của Liên đoàn HSPT tại Trung tâm Văn hóa Phật Giáo Liễu Quán (đường Lê Lợi). Anh Trần Văn Xoa đưa ra đề nghị với Duy: “Phật đản năm nay Liên đoàn mình tổ chức quán giải khát ở Trung tâm Liễu Quán, Anh xin Thầy Đức Tâm giám đốc Trung Tâm , em lo mượn tăng bạt dựng quán”. Thầy đồng ý, Xoa đi mượn ở bên Quân nhu 2 cái tăng bạt to đùng đem về, dựng quán. Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán chỉ mới xây dựng dở dang phần móng và tầng trệt. Bên hông còn ngỗn ngang vật liệu. Đoàn sinh dọn dẹp cũng được một mặt bằng để làm quán giải khát bên phía trái của Trung tâm Liễu Quán. Cà phê thì nấu bằng vợt, lểnh loảng,cọng thêm nước chanh,chanh muối do mấy em đoàn sinh nữ pha chế không chuyên  nhưng người vào uống để ủng hộ cũng đông. Ngày nào Duy cũng có mặt ở quán.Có một sự cố nhỏ mà anh chị em nói đùa là sập tiệm. Có một đêm trước ngày Phật đản, trời mưa gió giật bất thường. Sáng ra,khi Duy qua đến nơi thì thấy cái quán giải khát dựng bằng tăng bạt bị gió giật sập, đồ đạt trong quán đổ ngổn ngang. Anh Bữu Tôn tới trước nhìn cái quán xiêu vẹo, giang tay ra chiều chán nản nói:” Thôi rồi, xong om. Sập tiệm rồi, Duy ơi”. Rứa mà sau đó, anh em vẫn dựng quán lên và tiếp tục bán cho đến hết ngày Rằm mới dẹp. Quán giải khát nhân ngày Phật đàn trở thành một sinh hoạt truyền thống của Liên đoàn . Lễ đài chào mừng Phật Đản và quán giải khát HSPT nhửng năm sau dựng ở Công viên trước Trường Quốc Học và Đồng Khánh . Đó là hoạt động nổi bật và là niềm tự hào của Liên Đoàn.
Anh Trần Văn Xoa mời được mấy vị mạnh thường quân trước đây đã từng giúp Liên đoàn , chìa Sổ vàng ra và trình bày Liên đoàn mới có BCH mới cần tiền cho sinh hoạt, mấy bác ký liền. Bà Nam Hưng (đường Chi Lăng) mẹ nuôi em Phan- Phan là HSPT- tặng 10 000 đồng, Bác Lộc Lợi (đường Phan Bội Châu) tặng 5 000 đồng.. Quán giải khát thì chẳng lời bao nhiêu, nhưng nhờ có Sổ vàng và lòng yêu mến Liên đoàn của mấy Bác đã giúp cho Liên đoàn một số tiền để chi tiêu cho sinh hoạt ban đầu.
            Có tiền anh Xoa đề nghị mua một bàn bóng bàn cũ kê bên góc phải văn phòng, một tủ đựng sách và tài liệu. Bàn bóng bàn trở thành bàn để họp, bàn học cho các em học tập và là giường ngủ qua đêm cho các em ở lại, cũng là sân chơi, giải trí trong những giờ rảnh rổi – thật tuyệt vời, nhất cử tam tứ tiện! Từ đó Văn phòng hầu như thường trực 24 giờ, có người trực: Phô, Xoa sau này có thêm Chiến nữa …
            5. Thay đổi hệ thống tổ chức và mô hình sinh hoạt.
            Tổ chức Liên đoàn theo dạng gồm các Chi đoàn trường học có phần rời rạc, cục bộ và ít thân mật. Chủ nhật hàng tuần, các em tập trung về chùa Diệu Đế, lễ Phật xong ra sân, quay vòng tròn chơi năm ba trò chơi, hát mấy bài hát của Gia đình Phật tử, học Gút, Morse, rồi ra về. Sinh hoạt như vậy chưa khác gì mấy với tổ chức GĐPT. BCH đồng ý với Duy là phải thay đổi hình thức và nội dung sinh hoạt Liên đoàn theo phương châm: Màu cờ sắc áo, dương danh Liên đoàn (cho mọi người biết đến Liên đoàn HSPT), thay đổi hệ thống tổ chức và mô hình sinh hoạt làm sao cho dậy lên sức sống mới và tạo ra truyền thống sinh hoạt là băn khoăn lớn của Duy và BCH.
            Sau Phật đản 1970, một nhóm huynh trưởng và đoàn sinh Liên đoàn HSPT Đà Nẵng có trụ sở sinh hoạt tại chùa Tỉnh Giáo hội Quãng Nam-Đà Nẵng (đường Ông Ích Khiêm, Đà nẵng), với đoàn phục, có phù hiệu, cầu vai, khăn quàng xanh đậm có viền, ghé thăm văn phòng Liên đoàn HSPT Thừa Thiên. Các anh chị ra Huế bằng xe gắn máy và dự định ra thăm Liên đoàn HSPT Quảng Trị. Anh em HSPT Đà Nẵng đã đem tập cho anh em Huế bài hát, sau này trở thành bài hát chính thức của Liên đoàn.
“ Đoàn Ca:
Ánh sáng chiếu ngập trời – Đuốc thiêng soi Đạo vàng – Đoàn Học sinh Phật tử, tiến lên đi. – Cùng gieo rắc, khắp trời – Lòng yêu  thương không bến bờ - Cùng đập tan, mọi nỗi oán cừu .
Tiến bước, bước nhịp nhàng – Sóng gió, bão bùng giục lòng ta vững lòng bền chí – Cầm tay nhau – Tiến . Dựng ngày mai – Tươi - Nguyện một lòng theo gót Đức Từ bi.
Đi lên, đi lên Học sinh Phật tử, nề chi chông gai – Xông pha, xông pha Học sinh Phật tử cố gắng quyết không lùi. Đi lên, đi lên Từ bi, bác ái, yêu thương vô biên Học sinh Phật tử, khắc ghi tâm cang. Ta vui bước lên đường- Trí đức luôn, trau dồi - Để ngày mai rạng rỡ ánh Đạo thiêng.

            Sau đó thấy đoàn phục của  HSPT  Đà Nẵng có vẽ mạnh mẽ như đoàn phục Hướng đạo sinh, Duy bàn bạc với anh chị em để chỉnh đốn ngay màu cờ, sắc áo..
Trước hết là thay đổi hệ thống tổ chức. Hình thức sinh hoạt theo Chi đoàn trường học được thay đổi bằng hình thức thành lập hai Đoàn: Đoàn Khuông Việt ở Tả ngạn và Đoàn Hương Vân ở Hữu ngạn sông Hương. Sau này Đoàn Hương vân xin đất của chùa Vạn Phước xây Đoàn quán bằng vật liệu nhẹ trên mảnh đất trống ở lối đi vào chùa Vạn Phước, dốc Nam giao.
            Các em đoàn sinh tùy chỗ ở hay trường đang học hay sở thích muốn tham gia sinh hoạt Đoàn nào thì tùy ý tham gia vào Đoàn đó. Mỗi Đoàn bao gồm nhiều chi đoàn Thiếu cấp 1, Thiếu cấp 2, Chi đoàn Ấu. Chi đoàn Thanh sinh hoạt như cấp Tráng của Hướng Đạo VN. Chi đoàn Thanh có sinh hoạt đặc thù gồm những sinh viên ham thích hoạt động của HSPT và nghiên cứu kinh sách và triết lý Phật giáo. Anh Phô tổ chức và làm Chi đoàn trưởng Chi đoàn Thanh. Đây cũng là nguồn cấp Huynh trưởng cho Liên đoàn về lâu về dài.
Một tháng có 4 tuần: Tuần 1 sinh hoạt chung Liên đoàn tại chùa Diệu Đế,  tuần thứ 2 sinh hoạt riêng đơn vị Đoàn ( 2 Đoàn sinh hoạt riêng ở tả ngạn và hữu ngạn sông Hương),  tuần thứ 3 cấp Chi đoàn và  tuần thứ 4 sinh hoạt cấp Đội. Như vậy, trưởng của cấp nào cũng phải đủ khả năng sinh hoạt, chủ động chọn địa điểm, nội dung và báo đoàn cấp trên biết để theo dõi. Địa điểm sinh hoạt thay đổi làm thay đổi không khí và tạo được niềm vui tươi phấn khởi cho các em.
Cờ Liên Đoàn đã có từ trước. Sau khi hình thành tổ chức Đoàn, chị Trần Thị Mai phụ trách một nhóm đoàn sinh nữ thêu cờ Đoàn, Chi Đoàn, Đội, khăn quàng . Trang phục vẫn là áo xanh da trời, quần và khăn quàng màu xanh biển. Khăn quàng thêm viền vàng cho cấp trưởng, viền đỏ cho cấp thanh, viền xanh cho cấp thiếu ( thiếu cấp 1 và thiếu cấp 2), không viền cho cấp ấu, sau lưng khăn quàng có hình bánh xe Pháp luân. Trên tay áo có huy hiệu hình tháp Thiên Mụ, trên túi áo bên trái là cấp hiệu.Duy tự tay vẽ bánh xe pháp luân và huy hiệu hình tháp Thiên mụ đem đi khắc dấu in hình trên vải cho các em thêu. Chị Mai đi Sài Gòn mang về nhiều huy hiệu HSPT nhỏ nhắn, có hình hoa sen nở 8 cánh màu trắng nằm chệch góc trái trên nền xanh biển. Từ đó Liên đoàn tập trung ở đâu thì màu cờ, sắc áo nổi bật, khí thế vô cùng.
Trước đây, Liên đoàn mô phỏng sinh hoạt của tổ chức Gia đình Phật tử. Các bài hát của GĐPT được sử dụng trong sinh hoạt tập thể của Liên Đoàn. Duy bàn với BCH thay dần nhạc sinh hoạt bằng những bài hát tập thể mới đang phổ biến trong giới học sinh sinh viên.Những bài hát của Nguyễn đức Quang như “ Việt nam quê hương ngạo nghễ” của Trịnh công Sơn như: “Gia tài của mẹ”,“ Huế Sai gòn Hà nội” “ Nối vòng tay lớn” , “Cánh đồng hòa bình”, “ Ta phài thấy mặt trời” và những bài hát phản chiến trong tập” Ta phải thấy mặt trời” ; “Đêm hồng”, Dậy mà đi” của Tôn thất Lập và rất nhiều bài hát nhịp 2/4,4/4 của các tác giả khác hợp với sinh hoạt tập thể thể hiện khát vọng hòa bình, mong ước chấm dứt chiến tranh, chung tay xây dựng đất nước của những người trẻ tuổi, được đưa vào làm bài hát tập thể của Liên Đoàn .Từ đó, khi sinh hoạt, Liên Đoàn HSPT hình thành được phong cách,bản sắc sống động riêng của mình, mà lại gần gũi với tâm tư tình cảm và lứa tuổi của các em hơn, không lẫn với những đoàn thể khác.
            6. Lớp hè – Du ngoạn Thuận An.
            Vào hè, khi học sinh vừa nghỉ học ở trường. BCH tổ chức ngay một khóa dạy hè. Thầy giáo là những người thầy có tiếng dạy hay mà Duy quen và những sinh viên thân thiết: Các thầy Lê Văn Lợi, Cao Hữu Lợi, Tôn Thất Bằng, Nguyễn trọng Từ, Thầy Lai, Thầy Triển, …dạy các môn: Toán, Lý, Hóa. Học phí khá thấp nên học sinh ghi danh học rất đông. Đoàn sinh HSPT được ưu tiên học miễn phí. Các thầy giáo biết Liên đoàn tổ chức ra khóa học hè để kiếm tiền gây quỹ sinh hoạt nên hoan hỷ không nhận thù lao. Liên đoàn chỉ tổ chức một buổi tiệc chay cảm ơn các thầy là các Thầy đều vui vẻ.
            Kết thúc khóa hè, Liên đoàn tổ chức một ngày du ngoạn biển Thuận An và sinh hoạt trên bãi biển cho đoàn sinh và học sinh lớp hè sinh hoạt chung. Duy liên hệ xin hai chiếc tàu há mồm làm phương tiện di chuyển của Giang đoàn Hải quân trại Tây Kết ở bờ hữu ngạn sông Hương ( quen với anh Thái Nguyên Hạnh – Tổng thư ký đoàn SVPT Huế.)
            Các em đã trải qua một ngày thú vị trên sông nước, trên bải biển cát trắng ,hòa mình giữa nắng gió trên bờ biển, hát hò và tham dự những trò chơi trên cát rất là sảng khoái.Khóa hè kết thúc cũng là nguồn để phát triển đoàn sinh…
            7. Vu Lan – Tổ chức Bông hồng cài áo.
            Tập sách Bông hồng cài áo của Thầy Nhất Hạnh ngắn nhưng súc tích. Tập sách gửi đến chúng ta một thông điệp về lòng yêu kính và nhớ ơn Cha Mẹ. Trong đó còn cho thấy một tập tục rất đáng yêu khởi đầu của người Mỹ từ năm 1910, sau này người Nhật làm theo. Đây là một đoạn trích trong tập “ Bông hồng cài áo” của Thầy; Tây phương không có ngày Vu Lan nhưng cũng có Ngày Mẹ ( Mother's Day ) ngày chúa nhật thứ nhì của tháng năm. Tôi nhà quê không biết cái tục ấy. Có một ngày tôi đi với Thầy Thiên Ân tới nhà sách ở khu Ginza ở Đông Kinh, nửa đường gặp mấy người sinh viên Nhật, bạn của thầy Thiên Ân. Có một cô sinh viên hỏi nhỏ Thầy Thiên Ân một câu, rồi lấy ở trong xắc ra một bông hoa cẩm chướng màu trắng cài vào khuy áo tràng của tôi. Tôi lạ lùng, bỡ ngỡ, không biết cô làm gì, nhưng không dám hỏi, cố giữ vẻ tự nhiên, nghĩ rằng có một tục lệ chi đó. Sau khi họ nói chuyện xong, chúng tôi vào nhà sách, thầy Thiên Ân mới giảng cho tôi biết đó là Ngày Mẹ, theo tục Tây phương. Nếu anh còn mẹ, anh sẽ được cài một bông hoa màu hồng trên áo, và anh sẽ tự hào được còn mẹ. Còn nếu anh mất mẹ, anh sẽ được cài trên áo một bông hoa trắng. .  “Bông hồng Cài áo” – đoản văn nổi tiếng của Thiền sư Thích Nhất Hạnh sáng tác tại trại hè Camp Ockanickon ở Medford, NJ, Hoa Kỳ vào năm 1962 trong dịp Thiền sư nói chuyện với thanh thiếu niên về văn hóa Việt Nam và đã được đoàn Sinh viên Phật tử Sài Gòn chép tay 300 bản, mỗi bản đều có gắn thêm một bông hoa màu hồng cho người còn Mẹ, hay màu trắng cho người đã mất Mẹ. Rằm tháng Bảy năm ấy, họ họp nhau lại tại chùa Xá Lợi, làm lễ Bông hồng cài áo đầu tiên. Từ đó, lễ Bông hồng cài áo đã trở thành một truyền thống ở Sài gòn. Năm 1964, nhà xuất bản Lá Bối ra mắt độc giả bằng quyển Bông Hồng Cài Áo trong ngày Vu Lan. Năm 1965, đoàn cải lương Thanh Nga đã dựng và trình diễn vở tuồng Bông Hồng Cài Áo. Tại trong nước cũng như tại nước ngoài, đoản văn Bông Hồng Cài Áo đã được dịch và in ra nhiều thứ tiếng như Anh, Pháp, Đức, Hà Lan, Trung Quốc, Nga, Thái Lan và tiếng Lào.( trích bài” Mùa Vu lan: Từ hoa cầm chướng đến “Bông hồng cài áo” của Phạm Vũ” )
Tập sách này xuất bản từ năm 1964,  nhưng cho đến năm 1970, ở Huế và hầu như ở cả Miền Trung nhiều người đọc, nhiều người thấy tục lệ này hay quá nhưng chưa ai thực hiện. Có lẽ do thông tin và truyền thông thời điểm ấy không quan tâm một sự việc như vậy. 
            Vu Lan 1970, BCH Liên đoàn bàn việc tổ chức “Bông hồng cài áo” . Vu lan là ngày Báo hiếu cha mẹ, theo truyền thống của Phật giáo. Lấy một mỹ tục của nước ngoài, để thành một mỹ tục của Phật giáo Việt nam là một khởi xướng rất hợp tình hợp lý nên BCH đồng ý thực hiện ngay. Anh Đào Văn Tánh đã học Thanh vận, có kỷ năng làm bông hồng rất nhanh và rất đẹp. Anh cắt giấy hồng, trắng thành một dong dài. Chỉ cần xếp nếp và xoay nhẹ tay là có ngay một bông hồng xinh xắn. Anh Tánh nhận phần làm bông hồng bằng giấy, hoặc vải cho buổi lễ.
       Ngày Vu lan, sau phần nghi lễ trang nghiêm thành kính hướng về Tam Bảo và nguyện cầu cho cha mẹ, anh Trần Duy Phô đã đọc toàn bộ quyển “Bông hồng cài áo”. Giọng anh Phô đọc với thanh âm vang  và diễn cảm ,từng chữ, từng chữ ngấm vào tâm can của mỗi người làm lòng ai cũng xúc động khôn tả, tiếng khóc thút thít vang lên càng lúc càng nhiều trong hàng đoàn sinh đang trang nghiêm lắng nghe trong chánh điện chùa Diệu Đế. Duy cũng rưng rưng. Chị Trần Thị Mai và một em nữ mang theo khay đựng hoa, gắn từng bông hồng, trắng trên ngực đoàn sinh nữ. Anh Nguyễn Hữu Nhơn và một em nam gắn hoa hồng, trắng trên ngực đoàn sinh nam, sau khi hỏi đoàn sinh còn mẹ hay mất mẹ. Lương có biệt hiệu là “mèo”, khóc nức nở. Chị Mai gắn cho em một đóa hoa màu trắng.Hồ thị Thái Huề cũng khóc mùi mẫn và cũng được gắn một bông màu trắng  … Giờ sinh hoạt, nhìn hoa trắng trên ngực áo mình, Lương và Huề giẩy nẩy “ Em thấy bạn khóc, em mủi lòng khóc theo, chứ em còn mẹ mà”…
            Cả Liên đoàn đèo nhau lên chùa Từ Đàm, rồi Thiên Mụ. Quý Thầy và Phật tử đi lễ chùa nhân ngày Rằm tháng 7 nhìn đoàn sinh HSPT ai cũng có hoa hồng, hoa trắng trên ngực áo, hỏi xin, đầy ngưỡng mộ và hỏi ở đâu tổ chức cài hoa ?…
Các tổ chức Phật giáo, các chùa ở Huế và các nơi khác ở miền Trung qua năm sau bắt đầu thực hiện “Bông hồng cài áo” rộng rãi. Mỹ tục này dần dần lan rộng ra khắp cả nước.
Như thế,ở miền Nam thì “ bông hồng cài áo” do Đoàn Sinh viên Phật tử Sài gòn tổ chức lần đầu tại chùa Xá lợi trong lễ Vu lan năm 1962; ở Huế và miền Trung thì bắt đầu từ Vu lan năm 1970 do Liên đoàn HSPT Thừa thiên tổ chức. Cho đến bây giờ cứ đến mùa báo hiếu Vu lan, ở đâu cũng thấy thực hiện mỹ tục đáng yêu này.
      Những tình cảm thân thương trong buổi lễ Vu lan năm đó còn lưu mãi trong lòng những người HSPT tham dự cho đến tận bây giờ.
           
8. Trại Họp mặt HSPT miền Vạn Hạnh.
       Sau lần Anh Liê u và các huynh trưởng Liên Đoàn Đà Nẵng ra Huế ghé thăm Liên đoàn Thừa thiên ,hai bên đồng ý tổ chức trại HSPT miền Vạn Hạnh ( theo tổ chức của Giáo hội Phật giáo thì Miền Vạn Hạnh bao gồm 5 tỉnh: Quãng Trị, Thừa thiên, Quãng nam, Quãng tín, Quãng ngãi). Hội trai tổ chức vào dịp hè năm 1970, để các em học sinh có thể tham dự. Anh Phô gửi văn thư xin phép chính quyền, giáo hội và thư mời dự trại gửi đến các Liên Đoàn bạn trong Miền Vạn Hạnh.
            Hội trại Họp măt HSPT cấp miền : Tham dự trại có 4 Liên đoàn: Quảng Tín, Đà Nẵng, Quảng Trị và Thừa Thiên. Ba Liên đoàn có đoàn sinh tham dự, riêng Liên đoàn Quảng Tín chỉ có hai huynh trưởng tham gia là anh Đoàn Tuyền Châu và anh Lê Lam. Trại tổ chức ở khuôn viên chùa Diệu Đế, thời gian 4 ngày. Ngày khai mạc có tỉnh trưởng tỉnh Thừa thiên và Thượng tọa Thích Mật Nguyện chánh đại diện Giáo hội Phật giáo Thừa Thiên tham dự.
            Dù chỉ 4 ngày nhưng Ban tổ chức đã đưa vào nội dung đến 6 loại hình sinh hoạt bao gồm: Ra mắt một đặc san kỷ niệm ,tổ chức thi đấu các môn thể thao, một buổi trình diễn văn nghệ trên sân khấu, một buổi thuyết pháp, một trò chơi lón và một cuộc rước đuốc từ trại ở khuôn viên chùa Diệu Đế đến đài tưởng niệm Thánh tử đạo.
           Anh Đoàn Tuyền Châu phụ trách in ấn 1 Đặc san Vạn Hạnh dày hơn 100 trang quay ronéo. Ban báo chí đã làm việc hết mình kịp phát hành trong lễ bế mạc.
            Chị Trần Thị Mai phụ trách mấy bộ cờ giải thưởng cho thi đấu thể thao: Các môn bóng đá, cầu lông, bóng bàn, bóng chuyền. Bóng đá thi đấu ở sân trường Quốc học, bóng chuyền, cầu lông thi đấu ở trường Nguyễn Du. Liên đoàn Thừa thiên dành giải nhất ở tất cả các môn thi đấu.
            Trong thời gian chuẩn bị cho trai Vạn Hạnh, có một số anh trong trường Quốc gia Âm nhạc Huế đến giúp tập luyện văn nghệ. Đó là các anh Vĩnh Hùng tập hợp ca “ Xuân ca” của Phạm Duy, Các anh Hồ văn Thái Huỳnh, Đặng ngọc Thanh Hải và Nguyễn chí Quyết tập các tiết muc khác. Đêm trình diễn văn nghệ Vạn Hạnh trên sân khấu. Sân khấu được trang hoàng hoành tráng được kê trên thành ngăn cách một bên cổng chùa Diệu Đế. Hầu hết các tiết mục trình diễn Liên đoàn Thừa Thiên đảm nhiệm , các Liên đoàn bạn chỉ góp các tiết mục đơn ca.
        Đêm lửa trại nhẹ nhàng để nghe Ni sư Thích Nữ Trí Hải nói chuyện Phật pháp thật là ấm cúng và đạo vị.
            Trò chơi lớn đòi hỏi người chơi chạy quanh thành phố cũng là một hình thức biểu dương lục lượng của HSPT.
         Đêm cuối cùng trước khi bế mạc trại, Ban quàn trại đã tổ chức một cuộc diễu hành của trại sinh từ chùa Diệu Đế đến đài tưởng niệm các Thánh Tử Đạo ở chân cầu Trường Tiền phía trước Morin .Mỗi đoàn sinh cầm một cây đuốc đi thành 2 hàng kéo dài cả nửa km. Buổi diễu hành trang nghiêm và lễ tưởng niệm những người vị pháp vong thân trong Pháp nạn 1963 diễn ra trầm hùng và sâu lắng ghi dấu ấn sâu đậm trong lòng mọi người..
            9. Trại Vũng Tàu.
            Đây là một kinh nghiệm sống nhớ đời của Duy. Bế mạc trại Họp bạn HSPT miền Vạn Hạnh trong thành công và phấn khởi, anh Liêu Liên đoàn trưởng Liên đoàn HSPT Đà Nẵng bàn với Duy sẽ tổ chức Hội trại hè Vũng Tàu giữa hai Liên đoàn. Anh cho biết anh quen biết lớn với Không quân Mỹ ở Đà Nẵng dễ dàng xin 2 chiếc máy bay DC loại vận tải quân dụng. Hai bên giao ước và định ngày thực hiện. Kế hoạch được chuẩn bị chu đáo, BCH xin được 3 chiếc xe GMC ở quân vận trên dốc Nam Giao chở các em giương cờ và hát vang ra chiều phấn khởi lắm. Thẳng tiến vào Đà nẵng.
            Ngày lên đường, cả Liên đoàn vào Đà Nẵng cũng là ngày Duy thi môn cuối cùng cùa kỳ thi tốt nghiệp ĐHSP. Do đó Duy không theo đoàn xe được mà sẽ đi xe Honda vào sau. Em ruột của Duy – Lê Duy Đóa, đã chờ sẵn ở sân Morin của Trường Đại học Khoa học. Khoảng 10 giờ vừa thi xong là Duy leo lên xe Đóa chở vào Đà Nẵng ngay. Hai anh em chủ quan nên không mang theo áo mưa đề phòng khi gặp mưa thì có mà dùng. Có điều thật lạ là trên đường đi, khi qua đèo Hải vân, nhiều lúc hai anh em thấy mưa trước mặt, nghĩ rằng anh em sẽ ướt như chuột lột, thế mà đi đến đâu mưa tạnh đến đó. Mưa nhiều chặng mà hai anh em không bị ướt mới lạ chứ. Hai anh em tự nhủ “ Chắc là có Long thần, Hộ pháp che chở cho 2 anh em mình đây”. Đi trên đường mà lòng cứ thấp thỏm không biết hai Liên đoàn đã lên đường đi Vũng tàu chưa? Đến sân chùa Tỉnh hội Phật giáo Đà Nẵng thấy các đoàn sinh còn ở đó, cả hai thở phào nhẹ nhỏm. Hỏi lý do, thì anh Liêu trả lời chờ phúc đáp.Trong thời gian các em đoàn sinh đang buồn nãn vì tin không có máy bay, Đóa đã tập cho các em “Điệu Vũ cá sấu’ trên nền nhạc bài hát cho thiếu nhi “ Một đoàn cá sấu ra đi tòng quân giữ quê nhà, Ôi đau đớn thay, để lại đàn con yêu dấu. Này con con , con này con con, con nín đi cho cha ra đi, Này con con ,con này con con, con nín đi cho cha lên đường”. Các em nắm tay nhau lộn người rồi nằm dài trên nền xi măng. Sau đó ngưới cuối cùng đứng dậy và kéo những bạn khác lên. Ban đầu, mấy em đoàn sinh nữ mặc áo dài ngại ngùng không dám tham gia, về sau thấy vui quá cũng nhảy vô vòng tham gia luôn. Thật đáng yêu !Đến chiều, anh Liêu thông báo là không có máy bay vì bận phục vụ quân sự và bàn với Duy thay đổi địa điểm – tổ chức Hội trại  ở vùng Hòa Khánh. Tới lúc đó, Duy mới nhìn ra sự ấu trĩ, ngây thơ và cả tin của mình. Âu là sự trong sáng trong nhận thức của một người nhiệt tình và ưa những hoạt động mới lạ cho Liên đoàn của mình.
            Khu trại là một rừng dương liễu, không biết thuộc chủ quyền của ai nhưng có đất để cắm dùi cho các em cũng là cách để chữa lửa. Hội trại diễn ra vui vẻ, sống động, gắn kết tình thân giữa hai Liên đoàn và giữa đoàn sinh với nhau. Đặc biệt là hai trò chơi dân gian do Duy bày ra. Trò chơi bịt mắt đập om, tạo nên những tràng cười sảng khoái. Hai đoàn sinh bịt mắt, đôn nhau trên vai, sắp thành hàng, cách dãy treo om đất khoảng 10 mét. Người ngồi trên cầm gậy, người dưới định hướng. Sau khi định hướng xong, hai người mù đến dãy treo om và đưa gậy lên thử chạm vào đáy om. Khi định vị được vị trí om rồi, người cầm gậy, huơ gậy đập om. Dãy om có cái đựng nước,đưng cát, có cái đựng bánh kẹo. Có em đập trúng, có em đập hụt. Nước và bánh kẹo trong om văng tung tóe hòa theo với những tiếng cười hồn nhiên vang động một góc rừng. Trò chơi nhảy bao bố cũng vui. Vì sân chơi không phẳng nên nhiều em nhảy vấp té bò lăng, bò càng.
            Sau 3 ngày, 2 đêm trại, Liên đoàn lên xe về lại Huế. Niềm vui trải qua một kì trại xa nhà làm mọi người quên đi nỗi buồn không đi được Vũng Tàu.
            Nhiều đoàn sinh không được đi trại, xúm nhau hỏi han: “Sao Vũng Tàu có đẹp không ?” thì đều được nghe cùng một câu trả lời. “Vũng Tàu à? Vui thì vui nhưng không phải Vũng tàu mà là Trại Vũng Bùn”, làm các em trố mắt nhìn không biết chuyện gì xảy ra mà có câu trả lời kỳ rứa !
            Cho đến gần đây, khi nhắc lại trại Vũng Tàu nhiều đoàn sinh cũng phì cười và cho rằng đó là một kỷ niệm đẹp trong đời,  nhưng việc xin máy bay DC của Không quân Mỹ để đi Vũng tàu có mô mà đơn giản như rứa.  Cả một BCH Liên đoàn không ai thắc mắc chút xíu nào cả. Rứa mà lạ. Thành ra mới có chuyện Trại HSPT Vũng Tàu thành ra Trại Vũng Bùn.
            10. Du khảo Quảng Trị.
            Lần đi trại Vũng Tàu, Phước xin Ba Mẹ không được, mới nhờ Duy và anh Trần Duy Phô vào nhà xin, hai bác cũng không cho vì ngại ngùng. Lần du khảo Quảng Trị thì hai bác hoan hỉ. Rất nhiều em đoàn sinh cũng không được đi trại Vũng tàu vì cho rằng các em nhỏ dại.phụ huynh không cho đi xa bây giờ đi Quãng trị gần nên được đi. Liên đoàn cũng xin xe bên quân vận. Đoàn sinh chất lên 4 chiếc xe GMC thẳng tiến ra Quảng Trị. Giương cờ và hát vang. Đó là phong cách mới của liên đoàn HSPT Thừa Thiên. Ai cũng phấn khích vì tuổi của các em, trừ phi là có họ hàng, gốc gác ở Quảng Trị, Đà Nẵng thì mới đi chứ làm gì có dịp đi chơi xa.
            Đến chùa Tỉnh Giáo hội Quảng Trị, thì Liên đoàn gặp rắc rối nhỏ. Liên đoàn HSPT Quảng Trị thì vui vẻ, tiếp đón nhưng Thầy Thích Chánh Trực, Chánh đại diện Tỉnh Giáo hội Quảng trị thì khác. Thầy gọi anh em trong BCH vào bảo: “Thầy vừa nhận điện của Từ Đàm, trong đó nói là Liên đoàn HSPT Thừa Thiên sinh hoạt không phép tắc, tự đắc tự thị nên thầy mặc kệ tụi nó, mần chi thì mần, không tiếp, không đón chi cả”. Nghe như rứa, cả Liên đoàn đã lỡ khua chiêng, gióng trống ra đây rồi, đành liều xin ở lại.
            Sinh hoạt với Liên đoàn HSPT Quảng Trị một buổichiều. Tối Liên đoàn ở lại tại chùa Tỉnh giáo hội Quãng trị. Sáng hôm sau, BCH  quyết định cho các em đi thăm một vòng quanh Quảng Trị rồi đi qua viếng nhà thờ La Vang, xong đưa các em đến thăm chùa Sắc Tứ (chùa được sắc chỉ vua ban) và trở về Huế.
           
            11. Trại huấn luyện Huynh trưởng, Đội trưởng tại chùa Báo Quốc. Trại đóng bên bãi đất trống phía hông trái của chùa Báo Quốc. Mục đích là đào tạo những Huynh trưởng và Đội trưởng có kỹ năng lảnh đạo và hoạt động độc lập. Sau khóa trại kết thúc, các em có tự tin hơn về khả năng của mình trong việc lãnh đạo.
Trong thời gian diễn ra các hoạt động sôi nổi của trại huấn luyện, một số thanh niên ở vùng Lịch đợi, phía sau chùa Báo quốc đến khuôn viên trại quấy rối. Duy có dạy ở trường Hàm long từ năm 1966-1968 nên  Thầy Đức Phương rất thương( Thầy làm giám thị Trường và đứng lớp). Duy  gặp Thầy để nhờ Thầy thuyết phục nên đám thanh niên bỏ đi, tránh những điều đáng tiếc xảy ra.
            Về sau này, anh Từ Vân Tường làm Liên đoàn trưởng có tồ chức một trại Huấn luyện ở chùa Kim tiên  trên vùng Nam giao.
            12. Hợp tác với Thanh Sinh Công tổ chức phụ diễn văn nghệ
Chiếu bóng tại Rạp Hưng Đạo.
            Duy đọc cuốn “Đường hay Pháo đài” của Linh mục Nguyễn Ngọc Lan,(nhà xuất bản Trình Bày phát hành năm 1969) Duy rất thích ý tưởng cởi mở của Linh mục.
Nhà văn Quán Như trong bài viết” Ê, Cha Lan, trên đó có gì vui không” đăng ngày 02-3-2007 có viết:”-Tôi không biết áp lực mà Cha Lan phải chịu đến mức nào từ các giám mục Thiên Chúa, nhưng với tác phẩm Đường Hay Pháo Đài, các sinh viên đã ngã nón kính phục sự can đảm của Cha đối với giáo hội, tổ chức  đã cưu mang và có thể đã cung cấp phương tiện cho Cha du học ngoại quốc. Cha Lan chỉ muốn giáo hội Thiên Chúa thay vì ôm ấp những giá trị thời Trung Cổ, chấp nhận giá trị thời Khai Sáng và nhất là trở về với dân tộc…..” 
Những quyển sách của thầy Nhất Hạnh cũng thấy quan niệm cởi mở trong vấn đề tôn giáo, nhất là hai tôn giáo lớn nhất trong dân chúng Việt Nam: Phật giáo và Công giáo.
            Duy là người thích kết bạn. Có người bạn Trưởng đoàn Thanh niên Sinh viên Học sinh Công giáo (Thanh Sinh Công viết tắc là TSC) thành phố Huế là anh Huỳnh Văn Đức – Đức là SVSP ban Pháp văn. Một hôm gặp nhau ở cà phê Tổng hội Sinh viên, đường Trương Định, bỗng 2 anh em nảy ra ý kết hợp hai Đoàn HSPT và TSC thực hiện một việc chung gì đó. Đức đồng ý ngay – Thế là cùng thực hiện: Phụ diễn văn nghệ cho chương trình chiếu bóng ở rạp Hưng  Đạo.
            Hai bên bàn với nhau để định thời gian và cách tổ chức. Anh Đức mời BCH Liên đoàn HSPT Thừa Thiên gặp mặt ở Tòa Tổng Giám mục địa phận Huế. Phía TSC có anh Đức, anh Nguyễn Ước cũng là SV Sư phạm môn Văn và hai nữ đoàn sinh TSC, phía HSPT có Duy, anh Trần Duy Phô, chị Trần Thị Mai, anh Nguyễn Hữu Nhơn và chị Trần Thị Minh. Mọi chuyện liên hệ rạp Hưng Đạo, chọn phim, định ngày, chương trình phụ diến đều do Liên đoàn HSPT chủ động. Phát hành vé, Liên đoàn HSPT phụ trách hai phần, TSC một phần. Sổ vàng ủng hộ quỹ thì bên nào vận động riêng bên đó.
            Duy và anh Trần Duy Phô đến văn phòng gặp chủ rạp Hưng Đạo để bàn hợp đồng 2 buổi chiếu. Ông chủ rạp tư vấn là có phim võ hiệp Hồng Kông “Du long hành khất” hay lắm, hấp dẫn lắm theo kế hoach của rạp thì phim sẽ chiếu trong dịp Rằm tháng 8. Nếu chương trình phụ diễn của hai đoàn mà dùng phim này thì người ta sẽ tranh nhau vào xem khỏi cần quảng cáo. Cả 2 anh em nghe bùi tai vì đang thời kỳ các phim võ hiệp làm mưa làm gió ở các rạp chiếu bóng. Bản thân Duy cũng như nhiều bạn thanh niên nam nữ thời đó rất mê truyện võ hiệp của Kim Dung. Các tài tử Khương Đại Vệ, Định Long, Vương Vũ, Trịnh Phối Phối là những tài tử rất được ưa thích.
            Thời gian diễn ra hai buổi văn nghệ phụ diễn chiếu bóng là ngày Rằm tháng Tám (Tết Trung Thu). Quả nhiên vé bán rất chạy vì khán giả tin rằng sẽ được xem một phim hay. Vã lại một chương trình văn nghệ chung của hai đoàn thể thanh niên Tôn giáo là chuyện chưa bao giờ có và hầu như không thể có.
            Chương trình phụ diễn văn nghệ hầu hết do Liên đoàn HSPT sắp xếp. Chương trình gồm các tiết mục theo dự kiến của các anh Vĩnh Hùng, Hồ văn Thái Huỳnh, Đặng ngọc Thanh Hải, Nguyễn chí Quyết  trong Trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ Huế đến giúp.Buổi chiều họp bàn để hình thành chương trình văn nghệ phụ diễn thì Lê Duy Đóa, em trai Duy chở Duy xuống Văn phòng để lấy xe đi chơi nhưng khi thấy mọi người bàn bạc về văn nghệ  phụ diễn cũng vui lây, nổi máu văn nghệ nên tham gia với các anh Hùng, Huỳnh, Hải, Quyết và tập dượt cho các em đoàn sinh các tiết mục ngay từ khi bắt đầu chương trình tập luyện.
            Duy và  anh Trần Duy Phô biết tiếng tăm giọng ca truyền cảm của ca sỉ Thu Cúc nên có ý mời hát cho chương trình phụ diễn. Hai anh em đến ngôi nhà tọa lạc sau Ngân khố (Kho bạc) ở đường Hoàng Hoa Thám thì gặp được Cúc. Tưởng là dễ mời nhưng không ngờ Thu Cúc từ chối vì bận việc và giới thiệu cô Mỹ Hạnh học Quốc gia âm nhạc Huế ở đường sau lưng lầu Hòa Bình ”. Cũng nhờ đó mà hai anh em đến mời được cô Mỹ Hạnh tham gia. Thành ra chúng tôi mời được 3 người: Cô Mỹ Hạnh, cô Đặng Ngọc Lệ Hà và cô Sương –người Đà nẵng ( Sinh viên Sư Phạm Huế), ba giọng ca nữ cũng điêu luyện và quyến rũ không kém Thu Cúc, làm chương trình phụ diễn có chất lượng hơn. Ba tiết mục hấp dẫn của chương trình là các tiết mục “Những dòng sông chia rẽ”, nhạc Phạm Duy, hợp ca ba bè. “Tiếng dân chài” nhạc Phạm Đình Chương, hoạt cảnh, Lê Duy Đóa hát chính và các em phụ họa. Vũ “Múa nón” do anh Trương đình Lãm tập.
Hợp ca ba bè “ Những dòng sông chia rẽ” tập rất khó vì các em là những giọng ca tay ngang, khi vô bè dễ bị sai. Ngay chuyện một bè chỉ  “u, …ù,…ú …” mà hát cũng không chuẩn. Bây giờ các em vẫn còn nhớ câu động viên của Đóa: ‘ ù lớn lên, ù chết tổ đi”. Các anh  Huỳnh, Hải,Quyết trực tiếp luyện tập các em theo các bè riêng biệt sau đó tập ráp chung với nhau thành hợp ca 3 bè. Lúc bấy giờ các anh tự xem mình là cảm tình viên của Liên đoàn nên góp tay vô tập luyện văn nghệ tích cực không khác gì một đoàn viên của HSPT thực thụ. Đặc biệt , các anh còn hướng dẫn cho các cô Mỹ Hạnh , Lệ Hà,và cô Sương trình bày và thể hiện những bài đơn ca diễn cảm và mượt mà làm say đắm lòng người .
Hoạt cảnh “Tiếng dân chài” cũng phải tập rất lâu. Ban đầu Đóa định chọn một em đoàn sinh hát chính, nhưng sau cùng không tập được nên phải đích thân hát chính luôn. Những động tác vừa hát hò vừa kéo lưới sống động vô cùng. Có đoạn giữa bài “Hương khói gia đình bát ngát trong câu mong chờ …” những người dân chài nghỉ ngơi, mơ màng, có người vấn thuốc, có người tẩm áo ướt, vắt nước chảy ròng ròng trên sân khấu rất sống động.
Đến ngày tổng duyệt, đầy đủ các tiết mục: 2 hợp ca, 1 hoạt cảnh, 2 vũ, 4 đơn ca. Phía Thanh Sinh Công góp 1 hợp ca “Hồng Hà, vũ Tây phương và 1 đơn ca. Hợp ca “ Hồng Hà “, vũ Tây phương do học sinh trường “Jean D’Arc” thực hiện rất hay và đẹp. Nhạc trưởng là 1 Soeur, cầm đũa điều khiển một hợp ca 3 bè, bước tới bước lui, các em nữ sinh trong đồng phục áo dài trắng hát bè rất nhuyễn, làm khán thính giả rất xúc động .
“Múa nón” do anh Trương đình Lãm – cũng là một giáo sinh Trường Sư Phạm Quy nhơn -tập dựa trên nền cổ nhạc là một liên khúc Lưu thủy- Kim tiền.
Khi mang thư mời và sổ vàng lên Thầy Thích Mật Nguyện – Chánh đại diện Giáo hội Phật giáo Thừa Thiên lúc đó, Thầy nói với Duy : “ Việc Liên đoàn HSPT lên kết với TSC làm văn nghệ phụ diễn là một việc làm tốt đẹp đáng hoan nghênh. Nói lên một điều là thế hệ trẻ của hai tôn giáo có thể bắt tay nhau làm chung những việc tốt. Nhưng hai tôn giáo như Phật giáo và Công giáo hòa hợp nhau là một việc vô cùng khó khăn”. Duy chỉ biết đảnh lễ Thầy và vâng dạ. Thầy ghi vào sổ vàng 5 000 đồng.
Gần tới ngày phụ diễn văn nghệ, trời bắt đầu mưa nặng hạt. Nước dâng lên, tràn bờ đường Bạch Đằng , tràn đường lên chùa Thiên Mụ, ngang khoảng chợ Kim Long. Duy bận rộn suốt ngày với công việc ở văn phòng, tối mịt mới trở về nhà. Anh Trung (cựu đoàn sinh) lái chiếc xe  Jeep Willys chở anh em lội nước đường Bạch Đằng bì bỏm lên về Rạp Hưng Đạo- Văn phòng Liên đoàn ở chùa Diệu Đế. Chiếc Honda dame của Duy thì ngập nước tắt máy luôn. Anh em cứ lo lắng cầu trời cho qua ngày phụ diễn rồi có lụt chi thì lụt. Anh em cứ kháo nhau: Không hẹn mà cả HSPT và TSC đều chọn những bài ca về nước nôi. Hai đơn ca : một của Đặng Ngọc Lệ Hà là bài “Suối mơ” của Văn Cao; một của Cô Sương là bài “ Trăng mờ bên suối” của Lê trọng Nguyễn. Mở đầu Hợp ca của HSPT, bài “Những dòng sông chia rẽ”  (trong trường ca Con đường cái quan của Phạm Duy). Mở đầu: “Nước đi là nước (i) không về. Chia đôi dòng nước chia lìa dòng sông . Chia đôi bên bờ bến lạnh lùng, cho Ngưu Lang và Chức nữ ngại ngùng….…” Hợp ca của TSC, bài “Hồng Hà” (tên thay đổi của bài Du kích sông Thao của Đỗ Nhuận), mở đầu:”Hồng Hà mênh mông trôi cát tới chân làng quê. Cuối sông ngoài bến ai về có thấy đồng mía, nương chè với mối tình thắm bên làng quê”…Nước không về và nước mênh mông thì đúng là lụt rồi chứ còn chi nữa ?...
Nước lên thật rồi. Sông Hương tràn bờ, ngập tràn Thương Bạc, nước vỗ chân mé đường Trần Hưng Đạo. Vậy mà 2 xuất diễn vẫn đông nghẹt người. Khán phòng đầy ắp khán giả. Có nhiều nhiều Thầy và sư cô , nhiều tu sĩ Công giáo, nhiều Soeur cũng có mặt.
Một điều đáng tiếc xảy ra là phim chiếu sau buổi phụ diễn văn nghệ xuất đầu là phim “Rachael” . Phim này chiếu rạp cả một tuần rồi. Lẽ ra rap phải thay phim và chiếu phim mới “Du long Hành khất” như nội dung quảng cáo và hợp đồng đã ký kết mới đúng Nhưng chủ rạp Hưng Đạo (cũng là chủ nhà sách và in ấn Ái Hoa đường Trần Hưng Đạo) viện cớ do mưa, bão lụt nên máy bay Air Việt Nam ra không kịp. Do đó rạp phải chiếu  phim “Rachael”. Anh em chúng tôi phản ứng rất mạnh, nhưng ở thế chẳng đặng đừng đành phải làm buồn lòng những người mua vé ủng hộ mình.
Qua xuất diễn sau, thì có phim “Du Long hành khất” nhưng tiếc thay phim quá dỡ. Phim này được dàn dựng vụng về  giống như “Phim Hồng Kông làm bên hông Chợ Lớn” vậy. Những tài tử chẳng có chút tiếng tăm gì. Phim dỡ đến độ, người xem chẳng nhớ chi về nội dung, diển xuất và kỷ xảo của phim mà chỉ nhớ Du long hành khất vo vo cục đất từ cáu ghét bẩn trong người rồi búng ngón tay thành  phi đạn mà thôi.
Mặc dù, hai đoàn thu được một số tiền khá lớn cho sinh hoạt đoàn thể của mình, nhưng thật sự trong lòng không vui lắm, tuy phần phụ diễn văn nghệ  được khán giả vổ tay tán thưởng nhiều nhưng cũng không làm khán giả hài lòng vì 2 phim chiếu “ Rachael” và “Du long hành khất” quá tệ. Chúng tôi cứ sợ rằng khán giả cho mình là những người sinh hoạt trong các đoàn thể tôn giáo mà không thật thà, chứ đâu biết rằng Liên đoàn HSPT và TSC bị lâm vào thế bí.
Ngày Noel 24/12/năm 1970, Đoàn Thanh Sinh Công mời Liên đoàn HSPT tham dự một buổi liên hoan tại trường Jean D’Arc. Nhóm10 huynh trưởng và đoàn sinh của Liên đoàn tham dự cuộc vui rất vui vẻ.
Liên hoan Noel  này Duy không tham dự được vì Duy bận đi cùng với các anh Cao hữu Điền, Thái Nguyên Hạnh, Phạm văn Rơ, Phan Hữu Lượng, và các chị Trần thị Mai, Trần thị Nhiên Linh lên thành phố Đà Lạt dự Đại hội Sinh viên Phật tử toàn quốc. Khi sinh hoạt tập thể với các Đoàn SVPT bạn, Duy học được bài dân ca “Lý ngựa tây” đem về tập cho các em trong Liên đoàn.

13. Khóa Huấn luyện y tế- Cấp cứu, cứu thương: Nghe nói , Thầy Từ Phong là tu sĩ Phật giáo mà đang học Đại học Y Khoa Huế, Duy liền mời Thầy về Văn phòng Liên đoàn hướng dẫn một khóa học cấp tốc về cấp cứu-cứu thương cho các Đoàn sinh Thiếu cấp 2 của 2 Đoàn Khuông Việt và Hương Vân. Khóa học cấp tốc trong hơn 1 tháng, mỗi tuần vào 2 buồi chiều. Chương trình chủ yếu là cứu thương – cấp cứu. Các em được học các kỷ năng làm băng-ca bằng 2 cái áo và 2 cây gậy, khiêng băng-ca, tiêm thuốc vào mông, vào bả vai, chuyền serum và sử dụng các loại thuốc thông thường và vệ sinh phòng bệnh. Hồi đó, không có kim tiêm vô trùng sử dụng 1 lần rồi bỏ như bây giờ mà có hộp đựng xơ-ranh và kim tiêm. Trước khi tiêm thuốc, người ta nấu hộp đó trên lửa cồn cho nước sôi sùng sục, để sát trùng, để nguội rồi hút thuốc vô xơ-ranh rồi tiêm cho bệnh nhân. Các em thực tập bằng cách em này tiêm cho em kia và ngược lại bằng các loại thuốc bổ thuốc khỏe. May mắn là cả khóa học, không có em nào bị ap-xe. Mô Phật. Khóa học giúp các em kỷ năng sơ đẳng về cứu thương- cấp cứu, dù không có ứng dụng trong thực tiển nhưng các em cũng biết những biện pháp cấp thời khi gặp những trường hợp cụ thể thì biết đường xoay xở.
( Thầy Từ Phong sau này Trú trì chùa Thiên Hương - qua khỏi Đàn Nam Giao một chút, gần cầu Lim )

14. Xuân Tình thương:  Xuân về đem lại những niềm vui mới an lạc và hạnh phúc cho mọi người. Nghĩ đến những mảnh đời bất hạnh, cơ nhỡ, lầm lũi kiếm sống, không nơi nương tựa, thiếu tình thương và vật chất. Liên đoàn HSPT tổ chức buổi gặp mặt bạn nghèo  tại chùa Diệu Đế, mời dùng bữa cơm chay , gửi tặng gạo và gói quà nhỏ nhằm thể hiện tình thương và sự cảm thông của những người con Phật vào ngày Rằm tháng Chạp. Liên đoàn HSPT gửi giấy mời nhờ các bác ở các Khuôn hội Phật giáo chuyển đến tận tay bạn nghèo: Mỗi Khuôn hội 10 giấy mời bạn nghèo.
Buổi gặp mặt, thể hiện tình cảm thân thương được tổ chức chu đáo, anh chị em HSPT là những người phục vụ trong bửa cơm chay, với 200 gói quà tình thương  được trao gửi tận tay bạn nghèo.
Xuân Tình thương trở thành truyền thống của Liên đoàn , những năm sau đó đều được thực hiện.
15. Đêm Hạnh ngộ: Chiều ngày 23 tháng Chạp ÂL., thể hiện truyền thống tiễn Ông Táo về trời. Liên đoàn tổ chức Đêm Hạnh ngộ.
Cũng dựng cây nêu, là một cây tre dài, còn lá ở phần ngọn, trên đó treo một cái giỏ tre, cột vào góc cột trước mặt văn phòng. Bày biện bàn thờ cúng lễ tiễn đưa Ông Táo về trời, có cả chiêng trống trên hành lang. Chiêng trống rộn rã. Duy đứng làm chủ lễ, mặc áo đen dài, đầu đội khăn đóng (mượn của ba Duy). Các thành viên trong BCH, các em đoàn sinh cùng tham gia dự lễ, hàng ngũ chỉnh tề.
Tiến hành lễ cũng uy nghiêm lắm, Duy đang quỳ lạy, đứng lên thì vô ý đạp vạt áo trước, kéo rách một đường dài. Vạt áo lòng thòng càng làm các em đoàn sinh cười đùa hơn nữa.
Nghe huyên náo ngoài văn phòng, Sư bà và Ni sư Đặc ủy xã hội cùng các sư cô ra xem chuyện gì. Biết chuyện anh em chúng tôi cúng Ông Táo mà đùa giởn, nhẹ nhàng quở trách: “Các con cúng cho ra cúng. Lễ cho ra lễ. Không nên đùa giởn chuyện cúng cấp. Tội chết.”
Nói rồi, Sư Bà, Ni sư cho quý Sư cô mang ra một mâm bánh trái để cúng lễ tiễn đưa Ông Táo.Sau lễ cúng đưa Ông Táo về Trời là một buổi liên hoan nhẹ .
Mỗi lần nhớ những lời quở trách nhẹ nhàng, ôn tồn của Sư bà, Duy lại bồi hồi xúc cảm và  lòng mến mộ . Sư Bà thật đáng yêu đáng kính. Chúng con xin đảnh lễ Sư bà.
16. Tủ sách Liên đoàn: Nói là tủ sách nhưng chỉ có hai ngăn có cửa kính. Phía dưới là nơi để hồ sơ và máy đánh chữ. Khi vừa tiếp nhận Văn phòng và sắm được cái tủ sách thì Duy đã cho gửi một loạt thư cho các Nhà xuất bản ở Sài gòn, với nội dung là xin sách.
Chỉ một thời gian sau, hai thùng sách to tướng gửi về Văn phòng. Duy và anh Phô mừng húm, không xem ai gửi mà khui ngay hai thùng sách, cứ đinh ninh là quà tặng của các nhà xuất bản. Phô đem khuôn dấu của Liên đoàn đóng vào sách, rồi đem dựng lên tủ sách, hàng ngày đi ra đi vô lấy xuống đọc, thấy lòng vui sướng vô cùng, nghĩ rằng mấy cái thư gửi xin sách cầu may mà lại có tác dụng.
Khỏang tuần sau, chị Trần Thị Mai đến Văn phòng hỏi Phô: “Hai thùng sách tôi gửi về địa chỉ của Liên đoàn mô rồi”. Khi đó Phô mới ngớ ra “Sách của chị à? Rứa mà em và anh Duy cứ tưởng là mấy nhà xuất  bản ở Sài gòn gửi cho nữa chứ. “
Sau ngày 30-4-1975, Duy và Lê Quang Định có về lại văn phòng thì mối đã ăn hết cả hồ sơ của Liên đoàn và sách nên Duy đành phải ngậm ngùi đốt đi.
17. Gây quỹ:
Từ 10 000 đồng, Sư bà cho khi BCH Liên đoàn mới, được củng cố. Sau đó là 10 000 đồng cùa bà Nam Hưng, 5 000 đồng của bà Lộc Lợi ký sổ vàng ở quán giải khát Liễu Quán trong mùa Phật đản.
Tiếp đó là nguồn thu từ các lớp “Dạy hè”. Thu từ văn nghệ phụ diễn chiếu phim ở Rạp Hưng Đạo.
Tổng kết hoạt động của Liên đoàn HSPT Thừa Thiên do Chánh thư ký Trần Duy Phô gửi báo cáo với Vụ HSPT ở Sài gòn khi Duy hết giữ chức vụ Liên đoàn trưởng  là 550 000 đồng (tương đương 55 lượng vàng lúc đó).
18.Ăn Chùa:
Nhóm huynh trưởng và đoàn sinh lớn tuổi lập thành nhóm“ Du khảo chùa Huế” với đề tài :” Tìm hiểu về các ngôi chùa nổi tiếng quanh khu vực thành phố Huế”. Các em tìm hiểu về vị trí địa lý, lịch sử của chùa, Tổ khai sơn, các Ngài trú trì, những biến cố quan trọng của Chùa qua thăng trầm lịch sử…
Qua đợt du khảo, các em hình thành được một tài liệu khá phong phú về các ngôi Chùa ở Huế. Sau đó lịch giỗ các Chùa được thống kê đầy đủ từng tháng một. Lịch ngày giồ các chùa được dán lên bên hông tủ sách . Cứ đến giỗ các chùa thì có mặt của đoàn sinh Liên đoàn HSPT đến làm công quả, bưng dọn và thọ trai.  Quý Thầy. quý Cô rất hoan hỷ và khen HSPT  giỏi, nhớ được ngày giỗ ngày kỵ các chùa.. .
19. Cứu trợ Xã hội: Liên đoàn là cánh tay mặt của Đặc ủy Xã hội Phật giáo, Sư bà, Ni sư Cát Tường và quý Sư cô xem chúng tôi như con. Rất tin cậy để giao nhiều công việc. Một phần vì văn phòng Liên đoàn nằm cạnh Văn phòng Đặc ủy xã hội, một phần Sư bà tin tưởng giao công việc, lúc nào các em cũng hăng say với tấm lòng nhiệt tình không vị lợi.
Những đợt cứu trợ bão lụt, bao giờ Sư bà cũng gọi Liên đoàn. Những chuyến theo đoàn xe Cứu trợ bảo lụt của quý Sư cô, các em tận mắt chứng kiến những mất mát đau thương của đồng bào. Nhửng điều đó là những trải nghiệm của các em , xây dựng tâm từ bi và góp tay cùng Đặc ủy xã hội trong việc cứu khổ cứu nạn. Các đợt cứu trợ đồng bào chiến nạn … Lập các Trung tâm,quản lý và phân phát hàng cứu trợ  thế nào cũng có Liên đoàn HSPT Thừa Thiên.
Các em ăn chay theo quý Sư cô từng đợt cứu trợ dài ngày. Với nhiệt tình hăng say, không ngại khổ, ngại khó. Có lúc Ni sư gọi đến cho ít tiền và dặn: “Các con ăn chay không quen, mà làm việc quá sức thì mất sức khỏe lắm. Cầm ít tiền mua đồ ăn mặn mà ăn bồi dưỡng”. Tấm lòng của Sư Bà và Ni sư phụ trách Đặc ủy Xã hội thật là đáng quý, đáng yêu.
20. Chia tay:
Sau khi  Tốt nghiệp trường Đại học Sư phạm,Duy phải rời Liên đoàn đi vào quân trường Thủ Đức theo lệnh Tổng động viên. Trong buổi tiệc nhẹ thân mật tiển đưa Duy lên đường,có các thành viên trong BCH và một số em đoàn sinh lớn tuổi thường lui tới Văn phòng Liên đoàn, Anh Liên đoàn phó Nguyễn Hữu Nhơn trao tặng Duy một cây bút Pilot màu xanh da trời có khắc dòng chữ: “ Thân tặng anh Lê Duy Đoàn – LĐ.HSPT Thừa Thiên” và nói những lời từ biệt rất chân tình và cảm động. Tất cả đều thấy lòng chùng xuống trong buổi chia tay.
KẾT:
Duy và các bạn trong BCH Liên đoàn HSPT Thừa Thiên cùng nhau làm việc chỉ trong một thời gian rất ngắn (Từ tháng 5/1970 đến tháng 2/1971) chỉ hơn 9 tháng nhưng đã thực hiện rất nhiều công việc hay ho, có tầm cỡ của một đoàn thể Cấp Tỉnh của Giáo hội Phật giáo Thừa thiên. Trước khi chia tay, Duy mời anh Từ Vân Tường cũng là một Sinh viên Đại học Sư phạm Huế thay Duy giữ chức vụ Liên đoàn trưởng. Anh Tường là một người có óc tổ chức , đầy nhiêt tình và rất gắn bó với Liên đoàn vì nhà anh cũng ở trên đường Bạch đằng, cách chùa Diệu Đế không xa. Khi Duy rời Liên Đoàn HSPT Thừa thiên đầu năm 1971, Liên đoàn đã có  một cơ sở vững mạnh, có truyền thống tốt đẹp để phát triển thêm.
Cho đến bây giờ, khi nhắc đến những hoạt động của Liên đoàn năm 1970, Duy vẫn nhớ như in và nhũng hình ảnh sinh hoạt vẫn còn sống động trong tâm trí. Mọi cựu đoàn sinh HSPT mỗi lần gặp nhau đông vui, khi nhắc chuyện xưa, không ai dằn được những cảm xúc hào hứng, cùng say sưa nhắc lại những chuyện vui buồn, những nghịch ngợm đáng yêu của một thời đáng nhớ và vổ tay hát vang những bài hát sinh hoạt HSPT, dù rằng bây giờ ai cũng tới tuổi lên hàng Ôn hàng Mệ rồi ( Ông,bà)
Mới đó mà đã 42 năm rồi. Mau thiệt.




Sài gòn,  ngày 16-5-2012
Nguyên Viên Lê Duy Đoàn