Thứ Hai, 11 tháng 3, 2013

Người giàu nhất thế giới



Người giàu nhất thế giới.
Lê Duy Đoàn.

          Tháng 2 năm 1991.Sài gòn.
          Chiều muộn 30 Tết. Trời mù, mưa lất phất.  Chỉ còn vài giờ nữa là đến giao thừa, chuyển từ năm Canh ngọ sang năm Tân mùi. Giờ này mà Nhà Thơ đang còn ngồi dưới hiên nhà đối diện nhà thờ Vườn Xoài trên đường Lê văn Sĩ, Quận Phú nhuận, Sài gòn. Cả một dảy phố nhà nhà đóng cửa hay để cửa khép hờ. Ai cũng lo chuẩn bị đón năm mới. Những xe chở rác và công nhân vệ sinh làm việc tất bật. Thói quen xã rác trở thành một thói quen xã hội rồi. Người đi đường thưa thớt mà vội vã. Đường vắng. Phố đã lên đèn.
* *
          Trên người  Nhà Thơ, không biết là bao nhiêu lớp quần áo cái nào cũng rách bươm màu sắc tếc nic co lo. Một đống giẻ rách thì đúng hơn. Dưới chân Nhà Thơ là cái mũ dạ nhàu nát. Cây gậy tre quấn một sợi dây xích rổn rảng, để bên cạnh cái túi màu xám ô liu dơ bẩn không biết thứ gì bên trong mà cái túi căng kè. Một nải chuối cau cột sợi dây nylon đủ dài để nhà thơ đeo tòn ten nơi cổ cho tiện, khỏi cầm. Tất cả mọi thứ trên người ông đều nhàu nhĩ. Chỉ riêng đôi mắt sâu, nhỏ, hơi lé mà lại rất tinh anh dù nằm sau cặp kính tròn dày cộm. Nhà Thơ cũng có tắm gội hằng ngày nhưng  tóc phủ dài xuống gáy và bện xe lại như đầu tóc Rud Gullit, lại thêm trên người bao nhiêu lớp giẻ nên trông Ông bẩn bẩn giống như người cả tháng trời không tắm gội.  Người ông nhỏ thó với khuôn mật nhăn nheo như quả trám khô tưởng chừng như không còn chỗ cho nếp nhăn chen chúc, nước da tai tái bủng beo,lại thêm áo quần trên người làm Nhà Thơ trông càng áo não. Thế mà vẻ mặt ông an nhiên tự tại, không đếm xỉa gì đến mọi việc xung quanh, mặc cho lủ trẻ nghịch ngợm chọc phá. Ông đang chìm vào quá khứ.                                                                                   
                                                            *            *
          Nhà thơ ra khỏi nhà của Ông đạo diễn họ Lê ở xóm Gà, trong hẻm 482 đường Lê quang Định, Bình thạnh từ sáng sớm. Ông mới đến trú ngụ ở đây sau cuộc rượu lu bù mà không có tiền để trả ở quán rượu Thọ nguyên bị chủ quán mắng mỏ và làm khó dễ, ông đạo diễn họ Lê trả tiền nợ và mời Ông về nhà mình ở  cho đến nay. Ở nhà thì Ông chỉ mặc một cái áo sơ mi, quần xà lỏn nhưng ra đường thì Ông lấy cái bao đồ cũ quàng hết lên người, cái bao tải đồ của nhà thơ, ông đạo diễn dặn vợ con không được đụng tới, một phần tôn trong riêng tư của nhà thơ, một phần sợ nhà thơ buồn mà bỏ đi. Dường  như nếu ra đường mà không có trang bị tận răng như thế thì không ra dáng hảo hán một tí nào?!
          Nhà thơ đi bộ xuống chợ bà Chiểu ngồi bệt bên vệ đường dựa lưng vào gốc cây phương, nhai ổ mì và ngó mông lung dòng người ta vội vã di chuyển trên đường và mua bán tấp nập hai bên đường ngày cuối năm. Chẳng ai để ý  một người điên nhưng người điên lại để ý quan sát mọi người.  Dọc đường Lê Quang Định, phía trước chợ Bà Chiểu, xe gắn máy dừng đậu bên lề đường ngã giá mua bán hoa mai và các loại hoa cúng. Những quầy bán dưa, quay lại bằng cót tre  còn dưa  nhiều lắm. Những người bán ngũ quả “cầu mãn dừa đủ xài” có nhiều khách bu đen bu đỏ.
          Nhà thơ ăn hết ổ bánh  mì, nhìn quanh một hồi cũng chán, đi tới chỗ anh xích lô quen. “Đi thôi, đại ca”.  Anh xích lô thường chở người khách đặc biệt này nên biết lối đối thoại rất dị kỳ của ông với  lối xưng hô rất ư là phiêu bồng cà rỡn. Anh hỏi lại một cách rất là phường tuồng:” Bệ hạ đi mô?”. Ngồi lên xe nhà thơ nhớ nương tử. “Tới nhà mẫu thân tao”. Đã nhiều lần chở nhà thơ đến nhà của nương tử nên anh xích lô cứ thế mà đạp qua đường Hoàng Diệu. “ Đại ca biết là tao qua nhà mẫu thân làm chi không?” Không đợi anh xích lô trả lời, nhà thơ nói tiếp” Để tao chọi hai cục đá ni vô cửa cổng, hẹn với mẫu thân sáng mai mồng một Tết, tới xông đất, xông nhà lấy hên cho mẫu thân”.
          Anh xích lô đang lo trong lòng không biết ăn nói làm sao nếu bệ hạ điên này nói như chơi mà làm thiệt , lở công an vịn ngày cuối năm thì mệt lắm. Anh đang phân vân thì nhà thơ đột nhiên đổi ý” Thôi mày ơi, tao nói chơi chứ ngày mai tao mới tới nhà mẫu thân để xông đất .Tao xông đất mà không báo trước thì chắc là nương tử thích hơn”. “Thế bây giờ bệ hạ đi đâu”. “Thôi mày đi với tao lên hội”.
          Hội là hội văn nghệ thành phố, 81 Trần Quốc Thảo, nơi tụ hội những văn nghệ sĩ thứ thiệt cũng có mà kẻ ăn theo tiếng văn nghệ cũng nhiều. Tới đây, anh đã từng được ông cho ăn nhậu bù khú đã đời cóc tía lắm phen.
          Xe xích lô chạy thẳng vô sân hội như mọi khi nhưng quán vắng ngắt, bàn ghế được dọn dẹp trống huơ trống hoắc. “Dẹp rồi à? Thôi ra chỗ mô có bán bia thì đại ca cứ tấp vô”. Bên ngoài khuôn viên hội, trên lề đường còn có một ngưới đàn bà trung niên bán muộn. Khi thấy nhà thơ bước vô, người đàn bà cung kính cúi chào “Thưa thầy” Bà đon đả kéo ghế mời. “Ờ mô mà thưa thầy hay rứa hè?” “Dạ, hồi trước con học văn khoa trường Đại học Vạn Hạnh đó thầy.” Đối với nhà thơ, hồi ức về thời gian dạy ở Đại học Vạn hạnh mơ hồ như rác duềnh lên trôi xuôi theo dòng nước còn đối với anh xích lô khi thấy người đàn bà lễ phép giữ lễ thầy trò chào con người với đống giẻ trên người thế kia thì nhìn nhà thơ với con mắt vừa ngưỡng mộ vừa ái ngại.
          Vẫn ngồi trên xích lô, vách chân chữ ngủ, mày chai tao chai, nhà thơ nhai đậu phọng uống bia với anh xích lô. Dù người đàn bà bán quán xép không chịu lấy tiền nhưng nhà thơ vẫn móc tiền trả và nói” Trẫm không muốn nợ và không muốn mắc nợ” Nói nợ là nợ tiền và mắc nợ là mắc nợ tình. Nhà thơ phân biệt chữ nghĩa hay thật.
          “Thôi mày về đi lo ba bữa Tết, sang năm gặp lại”. Nhà thơ nói với anh xích lô sau khi dúi cho anh một nắm tiền chẳng biết là bao nhiêu. Chân nam đá chân xiêu, nhà thơ đi bộ lên cầu Lê văn Sĩ. Tay chống gậy với sợi xích kêu loảng xoảng theo bước chân đi. Hai sợi xích ngày thường nhà thơ dẫn hai con chó, bây giờ chỉ còn sợi xích, không biết hai con chó đi đâu rồi. Nải chuối quàng trên cổ,  cái bị trên vai trông nhà thơ giống Bố Đãi hòa thượng quá!
          Ngồi dưới hiên nhà bên kia đường đối diện cổng trường Đại học Sư phạm đầu cầu Lê văn Sĩ, trước đây là cơ ngơi của trường Đại học Vạn Hạnh, nhà thơ vừa đưa tay chỉ vô trường vừa lầm bầm chưởi rủa .
          Những việc làm bất thường của nhà thơ đôi khi làm ông rước họa vào thân. Bị người bán hàng phụ tùng xe đạp đánh đá sưng mặt sưng mày vì lấy cái ghi-đông chơi trò lái xe, bị đám pê-đê đánh chảy máu đầu vì vào đám tang múa may quay cuồng và nhảy nhót với chúng. Có khi bị công an dẫn vô đồn vì nhảy điệu đười ươi thượng ngàn, huơ gậy điều khiển xe cộ lưu thông trên đường phố. Khi vô đồn công an hay vô bịnh viện, người ta hỏi thân nhân là ai,khi nào nhà thơ cũng nói số điện thoại và số nhà của nương tử mẫu thân. Báo hại nương tử mẫu thân hốt hoảng một phen hộc tốc tới nơi lo chăm sóc cho nhà thơ tội nghiệp.
   
                                                               *         *
          Hiên nhà trước nhà thờ Vườn xoài, đường Lê văn Sĩ.
          Ông đang chìm vào quá khứ. Những ngày cuối năm đối với ông giống như những ngày cuối đời. Những chuyện không  theo thứ tự thời gian, trở lại như phim mà phần hồi tưởng lại sắc nét một nỗi sầu nhân gian và nhân thế.
          Ông nhớ lại những tháng ngày sương khói xa xưa. Ông sờ lên vết sẹo trên trán và mơ hồ đâu đây tiếng cải vả của cha mẹ rồi người cha hầm hầm giận dữ ném ông  trúng cây đinh thủng trán. Nhớ tuổi thơ ông ở Duy xuyên xứ Quãng nam. Nhớ vô vàn những ngày lang thang chăn dê trên vùng thung lũng đồi núi Trung Phước, nuôi dê để rong chơi với đàn dê thôi chứ không bán, không làm thịt .Thương  những con dê, ông đặt cho mỗi con một cái tên. Nhớ những lạch nguồn, truông trảng. Nhớ rừng sim tím ngát,  Nhớ vô cùng người vợ đẹp và hiền hậu mà qua đời sớm cùng đứa bé sơ sinh. Nhớ những bát sữa dê đem chưng lên cho vợ uống mỗi buổi sáng. Tất cả đều trôi vào hư ảo, hư vô…
          Những đứa bé vây quanh chòng ghẹo nhà thơ đã tản mác hết rồi. Chỉ còn nhà thơ ngồi cô đơn dưới hiên nhà. Một người đàn ông dáng tầm thước trong hẻm đi ra, tìm mua một bao thuốc lá. Quanh xóm đó ai cũng biết cũng quen Ông giáo gàn. Trước đây, ông dạy các lớp Đệ nhất cấp trường Việt Anh ở Huế từ năm 1951 lận, sau này trường đổi tên thành trường Trung học Đệ nhất cấp Nguyễn tri Phương. Đi ngang trước mặt nhà thơ, ông dừng lại một chút, nhìn và suy nghĩ một chút rồi ông đến bên vổ nhẹ trên vai nhà thơ. “Này,nhà thơ, vô nhà tui uống rượu không?”. Nhà thơ như sực tỉnh: “Đi mô?” “Vô đây chút thôi, trong này”. “Đi thì đi”.
          Ông giáo gàn là người tốt bụng, cục tính và có thói gia trưởng. Ông ưa, ông làm đố vợ con hé răng bàn vô một tiếng. Thấy ông giáo gàn chiều tối 30 tết rồi mà còn dẫn về một ông nhà thơ với đống giẽ rách trên người, vợ ông là một bà giáo, con ông đã gần tốt nghiệp đại học cũng đành rút lên trên lầu chuẩn bị bàn thờ và bàn phẩm vật cúng giao thừa, để phòng khách dưới tầng trệt cho ông với nhà thơ muốn làm chi thì làm. Những tưởng ngồi chơi một chút rồi vế,ai ngờ hai người ngồi chơi tới sáng.
          Ông giáo gàn đem ra một bộ pyjama đặt trước mặt nhà thơ: “Đi tắm đi rồi ra đây nhậu”. Nhà thơ giẩy nẩy: “Không , không tắm”. Ông giáo kéo nhà thơ vào nhà tắm, lấy vòi sen xịt nước cho ướt áo quần, nhà thơ mới chịu cởi nùi giẻ rách ra tắm.
          Mặc bộ đồ ngủ còn thơm mùi long não, xịt chút eau de cologne, nhà thơ thấy dễ chịu vô cùng. Trong khi nhà thơ tắm táp, ông giáo gàn đã bày ra trên bàn ăn không biết cơ man nào là thức ăn và rượu ngoại. Chủ nhân là người hiếu khách thái quá. “Rồi, muốn ăn chi cứ ăn, muốn uống chi cứ uống, cứ tha hồ.” Ông giáo gàn mang hầu như tất cả thức ăn để dành trong tủ lạnh dùng dần mấy ngày tết ra đải khách.
          Câu chuyện giữa nhà thơ lang bạt với ông giáo gàn không đầu không đuôi.
          “Này nhà thơ, răng mà giờ ni còn lang thang ngoài đường như rứa.”
          “Rong chơi mút mùa, càn khôn túy lúy. Đó là Đạo của tui. Nói thật tình, ở nhờ nhà người ta, ba bửa Tết, đuổi mình đi thì người ta không nỡ, mình ở nhà vô ra ba bửa Tết cũng không tiện. Thôi ra ngoài đường chơi với cóc nhái ểnh ương”.
          “Ngoài quê còn ai không ?
          Giật mình lúc chợt nghĩ ra
          Rằng toàn thân thuộc đã qua đời rồi!”
          “Nghe nhà thơ nhiều mẫu thân nương tử lắm, mà họ mô rồi.”
          “Thần tiên nhan sắc đẻ ra mẫu thân nương tử, nương tử mẫu thân đẻ ra thằng tui, thằng tui đẻ ra hết thơ rồi thẩn, thơ thẩn đẻ ra cóc nhái ểnh ương, châu chấu chuồn chuồn, châu chấu chuồn chuồn lại đẻ ra cái liên tồn, lá hoa cồn, tồn lưu, cồn lau cỏ lách. Cái liên tồn lại đẻ ra thần tiên nhan sắc, cuộc tồn sinh tồn diệt mới tồn lưu. Ra sông nằm ngũ rập rình, Mẫu thân Phùng Khánh đẻ mình ra sao ? Mẫu thân nương tử mô cũng giành nhau đẻ mình ra, Phùng Khánh, Kim Cương, Marilyn, Bardot ai cũng là nương tử, ai cũng là mẫu thân, rứa mới lạ chứ.”
          “Mấy quyển sách nhà thơ viết trước đây thấy cũng hay đó chơ ?
          “Thôi, đại ca ơi, sách vở ích gì cho buổi ấy, Áo xiêm nghĩ lại thẹn thân già, Xuân về ngày loạn còn lơ láo, Người gặp khi cùng cũng ngất ngơ..”
          Phong ba cuộc đời cứ dồn dập, càng ngày càng nhố nhế thêm ra,tủn mủn đầu độc thêm ra, thì ưu tư khắc khoải trở thành chuyện tầm phào, siêu thị, siêu tưởng, siêu triết, trở thành chuyện đỉ điếm. Văn chương, văn nghệ trở thành chuyện bán cá ngoài chợ. Nợ tang bồng vay trả trả vay trở thành chuyện phỉnh phờ con nít. Lưu thủ đan tâm chiếu hản thanh ư? Lưu thủ đan tâm trở thành chuyện tán gái đâm toang. Chiếu hản thanh trở thành chiếu chăn mài cọ lầu xanh meo mốc…”
          “Hạnh phúc nhất là lúc mô?”
          “Trước năm 75 ,hồi đó tui ở chung phòng với thằng Thiên Thư trên lầu bốn trường Đại họcVạn Hạnh, hắn là thầy tu, mặc áo nâu sồng mà có con bồ  Như Ngọc ở mô trên Đà lạt về thăm hắn, cô ấy dễ thương ghê. Sướng nhất là khi cô vào nhà tắm, tui đi theo, tui nói với cô. Cho coi một chút thôi cô ngồi xuống đây tưới cỏ cây đi, tui nằm coi. Mát mẻ con mắt vậy mà, mai mốt cỏ trên mồ cũng mát theo. Rứa mà cô thương tui, ngồi xuống mưa nguồn rớt hột trên sàn trong khi tui nằm trong bóng tối nhai gạo lứt muối mè nhìn mưa. Đại ca nghĩ coi, ai hạnh phúc hơn tui. Tui cũng từng ngỏ lời với mấy nương tử mẫu thân của tui là mai sau tôi có xuống suối vàng vẫn mong rằng các vị… sẽ ban ân huệ mưa móc sum suê, trên nấm mồ mọc cỏ, những giọt sương trần gian sẽ dỏ hằng ngày xuống đáy huyệt cô đơn của tui”. Tui cũng từng nói với nương tử: “Kim Cương nương tử ơi, nếu tại hạ một mai chết đi, nàng hãy mưa lên nấm mồ tại hạ”
          “Mấy lâu ni có chi vui ?”.
          “Không buồn thì cũng không vui,
          Buồn vui một nửa thì tui không màng.”
          “Bình sinh nhà thơ yêu thương ai nhất?
          Nhất vợ nhì Trời, nên yêu thương bà Ninh nhất. Thứ nhì là thương con. Yêu thứ ba là những cô gái giang hồ. Giang hồ của tui là phường đỉ điếm hay không đỉ điếm cũng được miễn là những cô những bà có máu phiêu lãng phiêu bồng là được. Quẳng gánh lo đi và rong chơi dzui dzẻ Rồi tui yêu vu vơ những đàn bà tình cờ gặp gỡ ngoài đường- thường là những phụ nữ da dẻ đen thui, ngồi im lìm bên vệ đường bán mua cái gì chẳng rõ.
          “Nhà thơ làm thơ dễ như lấy đồ trong túi. Thơ để làm gì và bàn luận thế nào về thơ?”
          Thơ để cho, thơ để tặng, để chơi chứ không để làm chi cả. Thơ là cái gì không thể bàn tới, không thể dịch, diễn gì được. Người ta có thể diễn tả một trận mưa rào bằng lời thơ. Thì có lẽ muốn diễn tả một bài thơ, người ta chỉ có thể phát động một trận mưa rào, hoặc một cơn gió thu. Mà muốn thực hiện việc đó, thì ngoài việc làm thơ ra, con người không còn phép gì khác. Thế có nghĩa là: muốn bàn tới thơ, diễn dịch thơ, người ta chỉ có thể làm một bài thơ khác. Người xưa am hiểu sự đó, nên họ chỉ vịnh thơ, chứ không bao giờ điên rồ gì mà luận bàn về thơ. Người đời nay trái lại, họ buộc phải luận thơ cho có mạch lạc luận lý. Cái chỗ ngu si đó là điều bất khả tư nghị vậy."
……
          Cứ như vậy, hỏi đáp , đáp hỏi giữa nhà thơ và ông giáo gàn  cho tới khuya. Bà giáo thỉnh thoảng đi xuống lầu gây ra vài tiếng động ý chừng nhắc khéo ông giáo gàn tiển khách sợ rằng ông khách điên khùng này ở lại đạp đất thì xui xẻo cả năm. Ông giáo gàn chẳng để ý chi đến thời gian trôi qua và bà giáo chuẩn bị cúng giao thừa.
          Chai rượu Henessy XO ông giáo gàn để dành trong tủ rượu từ trước 75, hai người chén chú chén anh cho đến giọt cuối cùng thì nhà thơ cũng oắt cần câu túy lúy. Ông giáo gàn còn đủ sức dìu nhà thơ đến nằm dài trên ghế nệm salon, còn ông giáo nằm trên ghế bố . Cả hai làm một giấc quên đời. Bà giáo cúng giao thừa xong, xuống coi lại cửa nẻo, lắc đầu ngán ngẩm cái ông chồng ngang không chịu được.
          5 giờ sáng mồng một Tết. Chuông nhà thờ Vườn xoài đổ từng hồi báo lễ sớm. Ông giáo gàn thức dậy pha trà và chế cà phê, dọn ra bàn một cái bánh chưng cắt sẵn. Chuẩn bị xong, ông đánh thức nhà thơ dậy. Rửa mặt đánh răng qua loa, nhà thơ ra bàn ăn ngồi uống nước trà và cà phê ăn sáng mà không nói với nhau một lời nào. Trong cái tỉnh lặng thiêng liêng của sáng mồng một Tết, nhà thơ cảm nhận sâu sắc cái tình lạ lùng của ông giáo trong cuộc tao phùng lạ lùng đêm 30 Tết vừa qua, cuộc tao phùng ngẫu nhiên, ngẫu nhỉ mà chén tương phùng mát dạ dường bao.
          Nhà thơ tiện tay xé một tờ lịch đầu năm, lấy bút hí hoáy viết mấy câu lục bát chữ to và nghiêng ngã.
          Uống xong ly rượu cuối cùng,
          Bổng nhiên chợt nhớ đã từng đầu tiên,
          Uống như uống nước ngọc tuyền,
          Từ đầu tiên mộng tới phiền muộn sau,
          Uống xong ly rượu cùng nhau,
          Hẹn rằng mai sẽ quên nhau muôn đời.
*          *


          Bước ra trước cổng, cầm tay ông giáo gàn, nhà thơ trịnh trọng nói với ông giáo:
          “Nói thật với Đại ca, Đại ca đừng giận. Tui không biết Đại ca là ai nhưng tui biết chắc chắn một điều:
          “Đại ca là người giàu nhất thế giới”.



Lê Duy Đoàn,
Sài gòn, 31/12/2012


_________________________________________________________________
Lời thêm:
Truyện ni dựa trên những tình tiết thật. Mong nhưng ngưới có liên quan lượng thứ nếu có điều khiếm khuyết ngoài ý muốn của tác giả. Lời cuối khi chia tay Thầy Văn là nguyên văn lời nói của Bùi Giáng.
Nhân vật thật:
1.      Nhà thơ : Bùi Giáng.
2.      Ông giáo gàn: Thầy Nguyễn Văn, dạy Việt văn và Pháp văn trường Trung học Việt Anh, sau này là trường Trung học Đệ nhất cấp Nguyễn tri Phương ở Huế. Thầy dạy từ những năm đầu thập niên 50.
3.      Bà giáo: Cô Bạch Hạc, dạy trường Nữ Trung học Đồng Khánh.
4.      Mẫu thân Phùng Khánh: cách gọi của Bùi Giáng tôn xưng Ni sư Trí Hải.
5.      Nương từ, mẫu thân Kim Cương: cách gọi của Bùi Giáng tôn xưng Nghệ sĩ Kim Cương.
6.      Đạo diễn họ Lê: Ông Lê Trác, hảng phim Giải phóng.
7.      Phan thị Như Ngọc:Tự truyện “ Ba ngày với Bùi Giáng”

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét